Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội trong nước nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tác động trực tiếp đến xuất, nhập khẩu và thương mại của thị trường nội địa, Tỉnh đã đề ra nhiều biện pháp khắc phục tác động, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhằm khôi phục nhanh và đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Sở Công thương đã xây dựng chương trình hành động của ngành nhằm khôi phục và tăng cường thúc đẩy phát triển các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thương mại trong năm 2021. Xây dựng chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; Triển khai Chương trình khuyến mại tập trung Quốc gia. Qua đó hàng hoá trong tỉnh, hàng hoá Việt Nam đã được sản xuất và phân phối phục vụ đầy đủ nhu cầu của người dân trong tỉnh.
Cuộc thi bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2021. Ảnh: Hoàng Thị Thùy
Trong năm 2021, Sở Công thương đã tích cực tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để các cơ sở phát triển sản xuất, kinh doanh, Tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản về việc thực hiện Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 26/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ tăng cường thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới và Kế hoạch của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh triển khai Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về việc tăng cường thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới; Tổ chức Cuộc thi bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2021; 01 đề án chuyên đề tập huấn sản xuất sạch hơn, nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Hỗ trợ 06 đề án gồm hỗ trợ lãi suất vốn vay, hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp, tu bổ cụm pano quảng bá giới thiệu làng nghề đá Ninh Vân và đề án in phát hành sổ tay công tác khuyến công, sổ tay tuyên truyền tiết kiệm năng lượng cho các cơ sở công nghiệp nông thôn, trong trường học.
Để giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, tìm kiếm, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu, Sở Công thương đã hướng dẫn các đơn vị thụ hưởng triển khai thực hiện 21 đề án khuyến công; 8 đề án xúc tiến thương mại với tổng kinh phí hỗ trợ là 3.513 triệu đồng. Các đề án tập trung vào các nội dung về nâng cao năng lực sản xuất, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn; tuyên truyền quảng bá hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại, hỗ trợ công tác phát triển hạ tầng thương mại, bình ổn giá và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng... qua đó đã giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, tìm kiếm, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.
Nhằm chủ động dự trữ, cung ứng hàng hóa ứng phó diễn biến mới dịch Covid-19 Sở đã ban hành phương án cung ứng, phân phối các mặt hàng thiết yếu cho người dân trong trường hợp phải giãn cách xã hội để ứng phó với dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh theo các tình huống; Kế hoạch số 1127/KH-SCT ngày 09/8/2021 về xây dựng chợ tạm và tổ chức phiên chợ lưu động trên địa bàn tỉnh; Tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông, kết nối cung cầu và tăng cường hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông sản của các địa phương trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã tích cực triển khai các hoạt động hưởng ứng Cuộc vận động. Trong năm 2021, các doanh nghiệp tổ chức 16.871 chương trình khuyến mại trên địa bàn tỉnh với tổng giá trị hàng hóa khuyến mại đạt 4.000 tỷ đồng; Các doanh nghiệp phân phối lớn đã tích cực tìm kiếm nguồn hàng, các sản phẩm Việt Nam để tổ chức hệ thống phân phối. Hiện nay, các mặt hàng công nghệ phẩm mà các doanh nghiệp kinh doanh chủ yếu là các sản phẩm hàng Việt Nam.
Với những kết quả đạt được trong năm 2021, để Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tiếp tục đạt kết quả tích cực trong thời gian tới, Sở Công thương sẽ tập trung tham mưu ban hành cơ chế chính sách, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền vận động cán bộ công chức ngành công thương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và các tầng lớp nhân dân phát huy lòng yêu nước, ý thức tự lực, tự cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh, từng bước xây dựng ý thức và văn hóa tiêu dùng hàng Việt Nam trong mua sắm công cũng như trong tiêu dùng cá nhân.
Bài viết: Đinh Thị Thúy - Phòng TM