Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW, được sự quan tâm, tập trung chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, công tác đảm bảo ATTP của ngành Công thương đã đạt nhiều kết quả tích cực, công tác chỉ đạo được tăng cường; công tác phổ biến tuyên truyền, công tác quản lý đối với cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ đang được củng cố; công tác kiểm tra liên ngành và chuyên ngành ATTP được triển khai và hoàn thành theo đúng kế hoạch của Ban chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh và theo kế hoạch thanh tra, kiểm tra của Sở.
Sở Công Thương đã tích cực, chủ động phối hợp với Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan tuyên truyền, phổ biến nội dung của Chỉ thị số 08-CT/TW, Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật An toàn thực phẩm đến các đơn vị quản lý siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, kinh doanh, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các sở, ngành kiểm tra an toàn thực phẩm, chống buôn lậu, gian lận thương mại; xây dựng, triển khai các mô hình an toàn thực phẩm tại các chợ, siêu thị kinh doanh thực phẩm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Ảnh: Hội nghị tập huấn, phổ biến kiến thức về ATTP và tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật
về ATTP thuộc lĩnh vực Công thương do Sở Công Thương phối hợp với Vụ Thị trường trong nước,
Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật thương mại - Bộ Công thương tổ chức
Các đơn vị quản lý siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, kinh doanh đã nhận thức được vai trò, trách nhiệm trong công tác an toàn thực phẩm, chú trọng hơn đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm. Người tiêu dùng đã biết được quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm.
Trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 08, Sở đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức 18 Hội nghị tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP, sản xuất, kinh doanh rượu; Phát 1.500 tờ rơi; in, treo 50 băng zôn tuyên truyền các quy định của pháp luật về ATTP; đăng 30 tin, bài tuyên truyền các quy định của pháp luật về ATTP trên website của Sở Công Thương; Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chương trình Hành động vì ATTP ngành Công thương; tổ chức triển khai “Tháng hành động vì ATTP”; Cấp 973 giấy xác nhận kiến thức về ATTP; Cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP cho 57 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng Dự án “Mô hình chợ thí điểm đảm bảo vệ sinh ATTP” và triển khai nhân rộng mô hình trên địa bàn tỉnh; Phối hợp với Tạp chí Công Thương thực hiện chương trình truyền thông về ATTP trong kinh doanh thực phẩm ngành Công Thương với sự kiện “Triệu chữ ký vì ATTP” do Bộ Công Thương tổ chức.
Bên cạnh đó Sở cũng tham mưu ban hành các quy định về quản lý chợ, tích cực triển khai Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thành lập Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh; Tham mưu ban hành nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp để đẩy mạnh thiết lập các kênh phân phối, kết nối cung cầu, đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng, qua đó giúp cho các cơ sở mở rộng sản xuất, kinh doanh từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, người dân có cơ hội lựa chọn hàng hóa đảm bảo chất lượng, vệ sinh ATTP với giá cả phù hợp.
Việc thanh tra, kiểm tra cũng được quan tâm, chú trọng góp phần tạo ra sự chuyển biến tích cực, rõ nét về nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật ATTP cho các tổ chức sản xuất, kinh doanh cũng như người tiêu dùng và cộng đồng. Từ năm 2011 đến nay, Thanh tra Sở đã thực hiện 10 cuộc kiểm tra chuyên ngành đối với 159 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm lĩnh vực Công thương và chủ trì Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP số 2 của tỉnh thực hiện 07 đợt kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm. Kết quả: Đã kiểm tra 263 cơ sở, phát hiện, xử lý 41 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt là 15.225.000 đồng.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai Chỉ thị số 08-CT/TW vẫn còn một số hạn chế ảnh hưởng tới kết quả công tác an toàn thực phẩm:
Nguồn lực con người; cơ sở vật chất, trang thiết bị; kinh phí để thực hiện công tác quản lý ATTP thuộc lĩnh vực công thương còn rất hạn chế chưa thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý nhà nước về ATTP trong tình hình hiện nay.
Công tác triển khai cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP trong lĩnh vực công thương theo phân cấp ở tuyến huyện tỉ lệ cấp còn chưa cao; công tác hậu kiểm ATTP lĩnh vực công thương tại các huyện, thành phố chưa hiệu quả; công tác quản lý ATTP đối với cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ trong lĩnh vực công thương ở tuyến xã còn nhiều bất cập, khó quản lý.
Nhìn chung, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW đã từng bước nâng cao nhận thức thực hành an toàn thực phẩm và kiến thức pháp luật về ATTP của chủ cơ sở và người trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh, ý thức trách nhiệm của cán bộ quản lý trong công tác đảm bảo ATTP được cải thiện đáng kể. Qua đó, góp phần hạn chế tình trạng ngộ độc thực phẩm, nâng cao sức khỏe cho chính bản thân và cho cộng đồng.
Bài viết và ảnh: Đinh Thị Thúy - Phòng Quản lý thương mại