Sở Công thương siết chặt quản lý mặt hàng công nghệ phẩm

Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là nỗi lo của toàn xã hội. Song song với việc thực phẩm như rau, thịt... bị phát hiện sử dụng chất bảo quản, chất cấm thì người tiêu dùng các mặt hàng công nghệ phẩm lại vướng vào nỗi lo hàng giả, hàng nhập lậu... Vì vậy, thời gian vừa qua, Sở Công thương đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng công nghệ phẩm.


 

Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra một cửa hàng kinh doanh rượu trên địa bàn thành phố Ninh Bình. 


Bà Phạm Thị Hồng, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh 6 nhóm mặt hàng thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương; đánh giá việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành đúng các quy định của pháp luật. 

Và hơn hết, là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và sức khỏe của nhân dân, ổn định thị trường sản xuất và tiêu dùng, Đoàn kiểm tra liên ngành gồm 7 thành viên, đại diện cho một số sở, ban, ngành của tỉnh đã tiến hành kiểm tra các cơ sở, chú trọng các cơ sở kinh doanh thực phẩm có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh, nhất là thành phố Ninh Bình với các mặt hàng: rượu, bia, bánh kẹo, nước giải khát, sữa... Nội dung kiểm tra việc chấp hành các quy định của Nhà nước về an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. 

Cụ thể như: giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận sức khỏe của chủ cơ sở và người trực tiếp tham gia sản xuất và chế biến do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp, giấy cam kết bảo vệ môi trường; hợp đồng mua bán, hóa đơn, chứng từ liên quan đến nguồn gốc thực phẩm, nguyên liệu, phụ gia, chất bảo quản, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; hồ sơ công bố tiêu chuẩn sản phẩm, chứng nhận hợp quy, chứng nhận hợp chuẩn đối với những sản phẩm phải công bố; đo lường chất lượng, ghi nhãn sản phẩm; việc dán tem sản phẩm rượu lưu thông trên thị trường; điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh, bảo quản, vận chuyển thực phẩm, phụ gia thực phẩm; điều kiện đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Việc kiểm tra được tiến hành chủ yếu theo hình thức kiểm tra đột xuất. Trong quá trình, toàn bộ diễn biến sẽ được lập hồ sơ vụ việc kiểm tra, lập biên bản xử lý nếu phát hiện tình trạng vi phạm. 

Trong thời gian 2 tuần, từ ngày 16/5 đến ngày 30/5, Đoàn đã tiến hành kiểm tra 6 đơn vị công ty, cửa hàng, đó là: Công ty TNHH thương mại Nam Cường, cửa hàng kinh doanh rượu Lê Na (thuộc công ty TNHH Thành Đạt), cửa hàng kinh doanh công nghệ phẩm G7 – Mart, doanh nghiệp tư nhân Thúy Lại, công ty TNHH thương mại và dịch vụ Quỳnh Hương và cửa hàng kinh doanh rượu Thành Mai.

Qua kiểm tra thực tế, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương, Đoàn kiểm tra nhận thấy, hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã chấp hành đúng quy định của pháp luật về thủ tục pháp lý trong kinh doanh, đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo đúng quy định. 

Chất lượng hàng hóa đảm bảo, đặc biệt là mặt hàng công nghệ thực phẩm đã được công bố chất lượng, công bố hợp quy, công bố phù hợp quy định về an toàn thực phẩm. 

Nhất là hàng hóa được sản xuất bởi các doanh nghiệp có thương hiệu, có uy tín như: Bánh kẹo Bibica, Hữu nghị, Kinh đô, bia Hà Nội...

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số cơ sở kinh doanh phân phối có quy mô lớn, hiện đang buôn bán thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, quá hạn sử dụng, không đảm bảo ATTP... 

Mặt hàng vi phạm chủ yếu là: rượu nhập khẩu không dán tem, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, rượu giả nhãn hàng hóa, bánh kẹo quá hạn sử dụng... 

Trong 6 cơ sở được kiểm tra, có 4 cơ sở vi phạm với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu và giả mạo nhãn hàng hóa, đó là: Công ty TNHH thương mại Nam Cường, cửa hàng kinh doanh rượu Lê Na (thuộc công ty TNHH Thành Đạt), cửa hàng kinh doanh công nghệ phẩm G7 – Mart, doanh nghiệp tư nhân Thúy Lại. 

Các loại rượu ngoại nổi tiếng với giá trị cao như rượu Chivas 12, Chivas 18, Ballantines, NAPOLEON, Black lại là đối tượng nhập lậu chủ yếu. 

Cùng với đó, Đoàn đã tịch thu 3500 chiếc kẹo Energy, 21 chiếc bánh bao do quá hạn sử dụng. Qua các hành vi vi phạm trên, Đoàn đã tiến hành phạt tiền 15,5 triệu đồng, giá trị hàng hóa tịch thu và tiêu hủy hơn 16 triệu đồng.

Lãnh đạo Chi cục quản lý thị trường, Sở Công thương cho biết thêm, công tác kiểm tra, kiểm soát sẽ được tiến hành thường xuyên, liên tục, nghiêm túc, có các hình phạt xử lý mạnh để đảm bảo tính răn đe, tránh tình trạng tái phạm.

Đây thực sự là hồi chuông cảnh tỉnh đối với các cơ sở kinh doanh mặt hàng công nghệ phẩm trên địa bàn tỉnh, đồng thời khuyến cáo đối với người tiêu dùng cần lưu ý khi lựa chọn mua các mặt hàng công nghệ phẩm cần xem xét kỹ tem, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng... của sản phẩm. Để hạn chế rủi ro, người tiêu dùng nên lựa chọn các cửa hàng, cơ sở phân phối chính hãng, đảm bảo uy tín và chất lượng.

                                                                                                                                                   

                                                                                                                                                    Theo báo Ninh Bình