Để triển khai thực hiện Kế hoạch trên, Sở đã chỉ đạo, đôn đốc các phòng Kinh tế/Kinh tế hạ tầng các huyện, thành phố; các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; các phòng, đơn vị trực thuộc Sở triển khai Kế hoạch theo chức năng nhiệm vụ của mình nhằm đảm bảo cân đối cung cầu, ổn định thị trường không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, khan hàng, hàng hóa tăng giá đột biến nhất là các mặt hàng thiết yếu mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết; Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, cung ứng và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, cơ sở chiết nạp LPG, kho xăng dầu, cửa hàng bán lẻ xăng dầu, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, đảm bảo cung cấp điện an toàn và liên tục phục vụ sản xuất, sinh hoạt của nhân dân trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Ảnh: Hàng hoá phục vụ Tết được bày bán tại Siêu thị GO! Ninh Bình
Các hoạt động khuyến khích lưu thông hàng hóa được Sở Công Thương tập trung triển khai thực hiện vào dịp cuối năm bao gồm: các hoạt động xúc tiến thương mại, thông tin thị trường, kết nối tiêu thụ nông sản, sản phẩm hàng hóa tiêu dùng, triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Chương trình khuyến mại tập trung, trong đó, kết hợp các hoạt động thương mại truyền thống và thương mại điện tử để tạo sức lan tỏa và thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong mọi lĩnh vực, kết quả, riêng trong tháng 12 Sở đã tiếp nhận và giải quyết 1.624 hồ sơ khuyến mại với tổng giá trị hàng hoá trên 500 tỷ; Sở đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến công Xúc tiến thương mại và Phát triển cụm công nghiệp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án khuyến công, đề án xúc tiến thương mại. Hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh, kết nối, tìm kiếm thị trường, tìm kiếm đối tác kinh doanh của doanh nghiệp.
Ban chỉ đạo 389 tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 277/KH-UBND ngày 17/11/2021 - Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, tập trung tổ chức các đợt kiểm tra, kiểm soát chống vận chuyển và kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, kém chất lượng, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, vi phạm về sở hữu trí tuệ, niêm yết giá.
Chương trình bình ổn thị trường, giá cả trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2022 đang được Sở Công Thương triển khai thực hiện. Dự kiến tổng số điểm bán hàng bình ổn giá là 100 điểm, phân bổ tại địa bàn vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang; các mặt hàng bình ổn giá do Việt Nam sản xuất hợp thị hiếu người tiêu dùng, tập trung vào các mặt hàng thực phẩm công nghệ, thực phẩm chế biến. Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp phân phối và cơ sở sản xuất kinh doanh đã có phương án cung ứng hàng hóa dịp cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Tại thời điểm hiện tại, do tình hình dịch Covid-19 vẫn đang được kiểm soát các hoạt động kinh tế - xã hội ở trạng thái bình thường mới, nên sức mua hàng tiêu dùng, hàng thiết yếu bắt đầu tăng, tuy nhiên giá cả các mặt hàng thiết yếu không những không tăng mà còn giảm nhẹ do nguồn cung đáp ứng tốt, chủng loại hàng hóa trên thị trường đa dạng, phong phú. Thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh ổn định.
Trong thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các phòng, đơn vị trực thuộc thường xuyên, chủ động theo dõi diễn biến thị trường, giá cả hàng hóa; tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm, các đại lý bán buôn, bán lẻ, các chợ, siêu thị…để kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp điều tiết nhằm bình ổn thị trường, giá cả hàng hóa.
Đinh Thị Thuý - Phòng Thương mại