Học tập kinh nghiệm phát triển nghề, làng nghề tại một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên

Phát triển làng nghề gắn liền với du lịch đang là trọng tâm phát triển của công nghiệp địa phương các tỉnh, thành trên toàn quốc. Ngày 13/7/2009, Tỉnh ủy Ninh Bình đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU về phát triển du lịch đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, trong đó tập trung hỗ trợ nghề và các làng nghề truyền thống như quy hoạch vùng sản xuất làng nghề, tạo điều kiện về mặt bằng cho các doanh nghiệp, tổ chức tham gia phát triển làng nghề, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất, …

 

Để tiếp tục thúc đẩy làng nghề phát triển bền vững mang lại hiệu quả kinh tế cao, phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch Sở Công Thương đã tổ chức đoàn công tác đồng chí Trần Duy Tuấn - Phó giám đốc Sở Công Thương làm trưởng đoàn đi học tập kinh nghiệm phát triển nghề, làng nghề tại các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Bình Định từ ngày 12 đến ngày 18 tháng 8 năm 2018.

 

Cùng đi với Đoàn công tác có các đồng chí lãnh đạo, chuyên viên một số phòng chuyên môn thuộc Sở; Lãnh đạo Trung tâm khuyến công và xúc tiến thương mại, đại diện doanh nghiệp, cơ sở nông thôn tỉnh Ninh Bình (rượu, thêu ren).

 

Đoàn cán bộ Sở Công Thương Ninh Bình trao đổi kinh nghiệm về quản lý, phát triển làng nghề với Sở Công Thương Gia Lai

 

Tại Gia Lai, Đoàn đã đến thăm hợp tác xã nông nghiệp và dệt thổ cẩm Glar, xã Glar, huyện Đăk Đoa, nghe trao đổi một số kinh nghiệm về hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng làng nghề, hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề cho chị em người dân tộc thiểu số Gia Lai nhằm bảo tồn, phát triển nghề truyền thống, tăng thu nhập cho lao động địa phương.

 

Làm việc với Sở Công Thương Đắk Lắk, theo báo cáo của Sở Công Thương Đắk Lắk, toàn tỉnh có 15 điểm, cụm làng nghề cần bảo tồn lâu dài, trong đó, nghề dệt thổ cẩm có 10 cụm nghề thuộc Thành phố Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ và các huyện: Buôn Đôn, Lắk, Cư M’gar; nghề đan lát có 2 điểm thuộc huyện Lắk và thị xã Buôn Hồ; nghề làm gốm cổ có 1 cụm tại huyện Lắk; sản xuất rượu men lá có 2 cụm thuộc huyện Krông Năng. Đây là những ngành nghề gắn liền với đời sống văn hóa, tinh thần và sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Việc bảo tồn, phát triển các nghề này là cần thiết nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn tỉnh, ngoài ra còn tạo việc làm, tăng thu nhập góp phần phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số ở những nơi có làng nghề và lao động nông thôn khác. Đoàn đã đi thăm cụm làng nghề dệt thổ cẩm thuộc Thành phố Buôn Ma Thuột.

 

Tại Khánh Hòa, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định công nhận 6 nghề truyền thống, 4 làng nghề và 1 làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh. Đoàn đã thăm quan làng nghề chế tác đá mỹ nghệ tại phường ninh Giang, Thị xã Ninh Hòa, đây là làng nghề được tỉnh hỗ trợ đào tạo nghề và quy hoạch phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch, là một trong những sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh Khánh Hòa.

Tại tỉnh Bình Định, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 51 làng nghề với 5.813 hộ tham gia sản xuất, chiếm 19,2% so với tổng số hộ trên địa bàn, giải quyết việc làm cho trên 13.365 lao động, tổng doanh thu khoảng 560 tỷ đồng. Làng nghề tiểu thủ công nghiệp được phân bố rộng khắp trên địa bàn 9 huyện và thị xã An Nhơn, sản phẩm làng nghề khá đa dạng: bún bánh, gốm mỹ nghệ, gỗ mỹ nghệ, dệt thổ cẩm, đan lát, chiếu cói, sản xuất rượu, hải sản khô, …Có 5 làng nghề được quy hoạch làng nghề gắn với phát triển du lịch và từng bước đầu tư khai thác là làng nghề rượu Bàu Đá (xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn), làng nghề tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu (xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn), làng nghề rèn Tây Phương Danh (phường Đập Đá, thị xã An Nhơn), làng nghề nón ngựa Phú Gia (xã Cát Tường, huyện Phù Cát), làng nghề nón lá Thuận Hạnh (xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn).

 

Đoàn cán bộ Sở Công Thương Ninh Bình làm việc với Sở Công Thương Bình Định

 

Làm việc với Sở Công Thương Bình Định, Đoàn đã trao đổi, học tập kinh nghiệm về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực phát triển nghề, làng nghề: kinh nghiệm trong công tác quản lý, lập quy hoạch, triển khai thực hiện quy hoạch; xây dựng và triển khai thực hiện các quy chế, chính sách, chương trình hỗ trợ phát triển nghề, làng nghề; xây dựng và thực hiện kế hoạch bảo tồn các làng nghề truyền thống. Đoàn đã đi thăm quan làng nghề rượu Bàu Đá tại xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn, trực tiếp trao đổi một số kinh nghiệm trong quản lý làng nghề tại địa phương.

 

Qua chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm, Đoàn đã trao đổi và học tập kinh nghiệm về quản lý, mô hình mở rộng quy mô sản xuất tại các làng nghề; việc quảng bá tiếp thị sản phẩm, nắm bắt được nhu cầu thị trường, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm,… để hỗ trợ, khôi phục, phát triển các làng nghề hiện có trên địa bàn tỉnh, các giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường tại các làng nghề. Đoàn cũng trao đổi việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về làng nghề của Sở Công Thương theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn.

 

Hoàng Thị Thùy - phòng QLCN