Tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Công Thương Ninh Bình cho biết: Năm 2024, Sở Công Thương Ninh Bình đã hướng dẫn các đơn vị thụ hưởng triển khai 22 đề án xúc tiến thương mại với tổng kinh phí hỗ trợ là 3.570 triệu đồng. Các đề án chủ yếu tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức hội chợ thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp dự trữ hàng hóa bình ổn giá thị trường hàng hoá thiết yếu dịp Tết nguyên đán, hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức hội nghị kết nối cung cầu,... Hội nghị là cơ hội để các doanh nghiệp, nhà phân phối góp phần hình thành chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng tiêu thụ sản phẩm ổn định, bền vững; thúc đẩy giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng Việt Nam.
Các đại biểu dự Hội nghị thăm quan gian hàng giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu của 2 tỉnh
Hội nghị kết nối cung cầu giữa Ninh Bình và Gia Lai là dịp để doanh nghiệp sản xuất và nhà phân phối của hai tỉnh gặp gỡ giao lưu trao đổi hàng hóa, từ đó phát huy lợi thế, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nói chung và cho mỗi địa phương, doanh nghiệp, nhà phân phối của hai địa phương nói riêng. Đồng thời, hội nghị lần này như một cánh cửa mở ra để doanh nghiệp và nhà phân phối hai bên có được tiếng nói chung về cách thức hợp tác, đảm bảo thông thương và cho nhau cơ hội để trao đổi hàng hóa, giao thương trên phạm vi lớn và có hệ thống.
Gian hàng giới thiệu sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Ninh Bình tại Hội nghị
Trong khuôn khổ diễn ra hội nghị, gian hàng trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người. Tại đây, các nhà doanh nghiệp, nhà phân phối cũng đã đươc trực tiếp trải nghiệm, thưởng thức các sản phẩm đặc trưng mang thế mạnh của hai địa phương Gia Lai và Ninh Bình.
Tin và ảnh: Phạm Linh - Trung tâm XTTM&CCN