Nâng cao chất lượng công tác theo dõi thi hành pháp luật của ngành Công Thương Ninh Bình

Theo dõi thi hành pháp luật là hoạt động “nhằm xem xét, đánh giá thực trạng thi hành pháp luật, kiến nghị thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật”. 

Theo đó, theo dõi thi hành pháp luật là việc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiến hành xem xét, đánh giá thực trạng thi hành pháp luật (THPL), kiến nghị thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả THPL và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Đây là một nhiệm vụ có tính phức tạp, liên quan đến hoạt động của tất cả các cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến địa phương; công tác theo dõi tình hình THPL được thực hiện trên cơ sở xem xét, đánh giá các nội dung: tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật; tình hình bảo đảm các điều kiện cho THPL; tình hình tuân thủ pháp luật.

Với những nội dung như trên, công tác theo dõi tình hình THPL có ý nghĩa thiết thực tầm quan trọng lớn trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, đảm bảo việc thực thi pháp luật. Do đó, việc nâng cao chất lượng công tác theo dõi THPL là vấn đề cần được quan tâm thường xuyên trong thời gian tới của các cấp, ngành, địa phương.
Đối với Sở Công Thương Ninh Bình, thực trạng công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật có một số nét cơ bản như sau:
Về ưu điểm: Hàng năm, căn cứ Kế hoạch công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi tình hình thi hành pháp luật của Bộ Công thương và UBND tỉnh, Sở đều xây dựng và ban hành Kế hoạch thực hiện công tác theo dõi tình hình THPL của Sở phù hợp với thực tế và yêu cầu công tác từng năm. Trong Kế hoạch này, căn cứ vào Kế hoạch theo dõi tình hình THPL trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành  của UBND tỉnh, của Bộ Công Thương để chỉ đạo các phòng, đơn vị trực thuộc Sở triển khai thực hiện trong năm và chủ động xây dựng, ban hành Kế hoạch thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật, lựa chọn lĩnh vực trọng tâm phù hợp với điều kiện thực tế của ngành thông qua hoạt động chuyên môn, thanh tra, kiểm tra hành chính, phòng chống tham nhũng, tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.... Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được chú trọng. Các điều kiện bảo đảm cho công tác theo dõi tình hình THPL cơ bản được đảm bảo.  Công tác phối hợp thi hành pháp luật được thực hiện thường xuyên thông qua việc báo cáo, cung cấp thông tin với các cơ quan đơn vị khác khi có yêu cầu; cử công chức tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành về thi hành pháp luật về XLVPHC và theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh; phối hợp tổ chức hội nghị, thanh tra kiểm tra, hậu kiểm trong quá trình thực hiện công tác chuyên môn. 
Ngoài ra, trong những năm qua, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, của UBND tỉnh công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong các lĩnh vực trọng tâm, liên ngành cũng được Sở quan tâm, chỉ đạo thực hiện: Năm 2022, Sở tập trung theo dõi tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã trong bối cảnh dịch Covid-19, theo đó đã tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo, quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo phục hồi sản xuất trong bối cảnh dịch Covid-19, từ đó bảo đảm sản xuất, lưu thông hàng hóa an toàn trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19; cung ứng đầy đủ, kịp thời lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các địa phương, nhất là các địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Năm 2023, Sở đã tập trung theo dõi tình hình thi hành pháp luật về giá, điều hành giá bán điện, giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, giá các mặt hàng xăng dầu, theo dõi tình hình lao động, việc làm trong các cụm công nghiệp.
Qua việc thu thập thông tin từ hoạt động theo dõi THPL đã giúp Sở đánh giá đúng thực trạng về việc thi hành pháp luật thuộc phạm vi quản lý, từ đó có giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực công thương.

Đoàn kiểm tra liên ngành về công tác theo dõi thi hành pháp luật tại Sở Công Thương

Bên cạnh các ưu điểm, công tác theo dõi tình hình THPL của Sở trong thời gian qua vẫn còn có một số vấn đề tồn tại:
 Việc tổ chức triển khai công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật chủ yếu được thực hiện lồng ghép với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của các phòng, đơn vị thuộc Sở; chưa có cuộc điều tra, khảo sát, kiểm tra theo chuyên đề riêng về theo dõi thi hành pháp luật.
 Việc bố trí nguồn lực và điều kiện khác cho công tác thi hành pháp luật còn chưa đầy đủ: nhân lực còn kiêm nhiệm; chưa có nguồn kinh phí riêng cho công tác theo dõi thi hành pháp luật (lồng ghép trong các nhiệm vụ chuyên môn khác).
Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại nêu trên:
 Quy định pháp luật về theo dõi thi hành pháp luật còn chưa cụ thể về nội dung và tiêu chí để đánh giá nhất là tiêu chí đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền và tổ chức, cá nhân.
 Đội ngũ cán bộ công chức được giao thực hiện nhiệm vụ còn kiêm nhiệm nên thiếu kinh nghiệm, kỹ năng trong áp dụng pháp luật về theo dõi thi hành pháp luật.
 Các điều kiện bảo đảm cho công tác theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực công thương chưa đáp ứng so với yêu cầu nhiệm vụ.
Trước thực trạng trên, Sở Công thương đề ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác theo dõi THPL trong thời gian tới:
Để nâng cao chất lượng công tác theo dõi THPL và đảm bảo đúng quy định tại Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 và Nghị định số 32/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP; Thông tư số 04/2021/TT-BTP ngày 21/6/2021 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành Nghị định 59/2012/NĐ-CP và Nghị định 32/2020/NĐ-CP cần tập trung vào một số nội dung sau:

Tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng xử lý công việc cho đội ngũ cán bộ, công chức tham mưu thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật; bám sát kế hoạch chung của tỉnh về các lĩnh vực trọng tâm liên ngành của từng năm để chỉ đạo tổ chức triển khai có hiệu quả.
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, đồng thời xử lý nghiêm minh các vi phạm pháp luật trên mọi lĩnh vực nhằm tạo ý thức tuân thủ pháp luật, giảm bớt tình trạng và mức độ vi phạm.
 Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, điều tra, khảo sát tình hình THPL, chú trọng thực chất, tránh hình thức, chung chung. Việc kiểm tra, điều tra, khảo sát cần có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xử lý thông tin về tình hình thi hành pháp luật, từ đó kịp thời đề xuất, kiến nghị các giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế đã được phát hiện ra trong quá trình theo dõi tình hình thi hành pháp luật thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành nhằm đảm bảo việc thực thi pháp luật; đồng thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành mới, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật còn chưa bảo đảm tính khả thi, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.


Tin và ảnh: Lê Trọng Luân - Thanh tra Sở