Theo đó, Nghị định quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo từng chức danh đối với từng hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp. Đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp không quy định tại Nghị định này thì áp dụng theo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan.
Nghị định quy định hình thức xử phạt hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền. Nghị định cũng quy định hình thức xử phạt bổ sung bao gồm: (i) Tước quyền sử dụng có thời hạn đối với Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp; Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp; Giấy phép sản xuất hóa chất Bảng 1, hóa chất Bảng 2, hóa chất Bảng 3, hóa chất DOC, DOC-PSF; Giấy phép, Giấy chứng nhận về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ; (ii) Đình chỉ có thời hạn một phần hoặc toàn bộ hoạt động hóa chất; hoạt động sản xuất, mua bán, nhập khẩu, khảo nghiệm hóa chất diệt côn trùng, diệt khuẩn, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế; hoạt động cung cấp dịch vụ diệt côn trùng, diệt khuẩn bằng chế phẩm; hoạt động vật liệu nổ công nghiệp; (iii) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong hoạt động hóa chất, hoạt động vật liệu nổ công nghiệp.
Bên cạnh đó, ngoài các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a, c, d, đ, e, h và i khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định này quy định các biện pháp khắc phục hậu quả như sau: (i) Buộc hủy bỏ kết quả kiểm tra huấn luyện an toàn hóa chất của tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất; (ii) Buộc tái chế sản phẩm điện, điện tử sản xuất trong nước có hàm lượng hóa chất độc hại vượt quá giới hạn hàm lượng cho phép; (iii) Buộc thu hồi hóa chất sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu đã đưa vào sử dụng, lưu thông trên thị trường nhưng chưa được phân loại; (iv) Buộc thu hồi để tái chế hóa chất nguy hiểm là hóa chất độc gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường đã đưa vào sử dụng, lưu thông trên thị trường nếu còn khả năng tái chế; (v) Buộc chấm dứt việc đăng tải thông tin về đơn vị đủ điều kiện sản xuất chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn; (vi) Buộc tái chế chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế còn có khả năng tái chế; (vii) Buộc chấm dứt việc đăng tải thông tin về đơn vị đủ điều kiện cung cấp dịch vụ diệt côn trùng, diệt khuẩn bằng chế phẩm; (viii) Buộc chấm dứt việc đăng tải thông tin về đơn vị đủ điều kiện khảo nghiệm hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế; (ix) Buộc khắc phục tình trạng không đảm bảo an toàn trong sản xuất, thử nghiệm, đánh giá vật liệu nổ công nghiệp; (x) Buộc khắc phục tình trạng không đảm bảo an ninh, an toàn trong quá trình bảo quản vật liệu nổ công nghiệp; trong xây dựng, trang bị các loại công cụ hỗ trợ, phương tiện, công trình bảo vệ, canh gác trong kho vật liệu nổ công nghiệp; (xi) Buộc di chuyển hàng vật liệu nổ công nghiệp dự trữ đến kho, địa điểm theo quy định.
Nghị định Quy định về mức phạt tiền tối đa, thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức như sau: (i) Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân trong lĩnh vực hóa chất là 50.000.000 đồng, trong lĩnh vực vật liệu nổ công nghiệp là 100.000.000 đồng; (ii) Mức phạt tiền quy định tại Chương II của Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân thực hiện. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức phạt; thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và lập biên bản vi phạm hành chính xem chi tiết tại: Nghị định./.
Đào Thanh Tân - Trưởng phòng KTAT&MT