Những năm đầu tái lập tỉnh, Ninh Bình mới chỉ có vài chục doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Ngoài các doanh nghiệp do Trung ương quản lý, các doanh nghiệp sản xuất của địa phương hầu hết có quy mô bé, sản phẩm đơn điệu, hiệu quả sản xuất - kinh doanh thấp. Tiểu thủ công nghiệp phát triển manh mún, nhỏ lẻ, thiếu định hướng phát triển và thị trường tiêu thụ. Thực hiện Nghị quyết các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh, ngành Công thương Ninh Bình đã tập trung mọi nguồn lực, thực hiện hàng loạt giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ trên địa bàn, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đẩy mạnh sản xuất. Nhờ đó, sản xuất công nghiệp đã có bước phát triển mạnh mẽ, khẳng định vai trò là nền tảng trong phát triển kinh tế địa phương. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 1992-2021 tăng bình quân 22,2%/năm. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2021 đạt trên 100.105,3 tỷ đồng, tăng 294 lần so với năm 1992. Cơ cấu sản xuất trong nội bộ các ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh gắn với thị trường, trong đó việc tỉnh xác định tập trung đầu tư, phát triển vào các ngành công nghiệp chủ lực, mũi nhọn như ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, điện tử và công nghiệp hỗ trợ để tạo động lực phát triển kinh tế, góp phần vào tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp, tăng thu ngân sách tỉnh. Một số dự án đầu tư đã hoàn thành và đưa vào sản xuất đã có những đóng góp quan trọng cho tăng trưởng ổn định của ngành công nghiệp tỉnh giai đoạn vừa qua như: Nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô công suất 80.000 xe/năm của Công ty cổ phần sản xuất ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam tại KCN Gián Khẩu; Nhà máy sản xuất, lắp ráp camera môdul và linh kiện điện tử của Cty TNHH Mcnex Vina tại KCN Phúc Sơn; Nhà máy thép Kyoei của Cty TNHH thép Kyoei Việt Nam; Nhà máy đạm Ninh Bình; Nhà máy sản xuất kính xây dựng CFG;…
Hoạt động sản xuất Sợi xuất khẩu tại Công ty Cổ phần thương mại Lam Giang,
địa chỉ: Phường Ninh Phong, Thành phố Ninh Bình, Tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Duy Phương
Nhằm duy trì sự phát triển ổn định, bền vững trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, ngành Công thương Ninh Bình xác định công tác quy hoạch, định hướng phát triển có vai trò đặc biệt quan trọng. Trong đó, tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thu hút các dự án đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp đáp ứng yêu cầu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Hiện nay toàn tỉnh đã quy hoạch 7 khu công nghiệp, 25 cụm công nghiệp trong đó 5/7 khu công nghiệp và 5/17 cụm công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy 100%, thu hút trên 60 nghìn lao động vào làm việc. Các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh với hạ tầng đồng bộ đã đáp ứng nhu cầu về mặt bằng sản xuất để thu hút đầu tư và di chuyển cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp và làng nghề, góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề, khu dân cư. Bên cạnh đó, hạ tầng điện trên địa bàn tỉnh luôn được ngành Công thương đặc biệt quan tâm, đầu tư, đảm bảo đúng quy hoạch và định hướng phát triển kinh tế - xã hội và góp phần quan trọng hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Cùng với phát triển công nghiệp ở trình độ cao, sản xuất tiểu thủ công nghiệp và phát triển làng nghề được quan tâm hỗ trợ và có bước phát triển mới. Với chức năng của mình, trong giai đoạn 1992-2021, ngành Công thương đã tập trung lồng ghép nhiều nguồn kinh phí để hỗ trợ phát triển làng nghề, các sản phẩm kết hợp với bảo tồn và tôn vinh các làng nghề, nghệ nhân. Đến nay, tỉnh đã quyết định công nhận 76 làng nghề, 02 nghề truyền thống và 99 nghệ nhân nghề thủ công mỹ nghệ. Sau khi được công nhận phần lớn các làng nghề tiếp tục duy trì ổn định, một số làng nghề đã phát triển mở rộng sản xuất kinh doanh như làng nghề cói, làng nghề chế tác đá mỹ nghệ. Hoạt động sản xuất làng nghề đã góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân.
Với những chính sách đúng và trúng của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, trong giai đoạn 1992-2021 cũng đã chứng kiến bước chuyển mình mạnh mẽ của hoạt động thương mại. Sự phát triển của thị trường nội địa và hoạt động xuất khẩu tăng trưởng nhanh đã tạo ra động lực quan trọng thúc đẩy sản xuất địa phương. Thương mại nội tỉnh đã đảm bảo cung ứng kịp thời, đầy đủ với giá cả khá ổn định các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng xã hội. Tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 1992-2021 bình quân tăng 20,5%/năm; riêng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ toàn tỉnh đạt gần 41.536,9 tỷ đồng, tăng hơn 226 lần so với năm 1992. Mạng lưới phân phối trên địa bàn tỉnh phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu; cơ sở vật chất từng bước được cải tạo, đầu tư xây dựng mới, các hình thức thương mại văn minh ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phân phối lưu thông. Các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tự chọn theo chuỗi với phương thức mua bán mới, hiện đại văn minh xuất hiện ngày càng nhiều. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 03 trung tâm thương mại, 33 siêu thị, 110 chợ và hàng trăm cửa hàng tiện lợi, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa khu vực sản xuất và thương mại, phát triển thị trường, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của nhân dân trong tỉnh.
Hoạt động mua bán hàng hóa tiêu dùng tại Siêu thị GO! Ninh Bình,
địa chỉ: đường Trần Nhân Tông, xã Ninh Phúc, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình.
Ngoài ra, ngành Công thương còn tổ chức nhiều chương trình hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong tình hình mới”, trọng tâm là tổ chức các hoạt động phát triển thị trường với tên gọi “Tự hào hàng Việt”, “Tinh hoa Việt Nam”, các chương trình kết nối cung cầu... Đồng thời tăng cường công tác bảo vệ quyền lợi cho những nhà sản xuất chân chính và người tiêu dùng; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức và tự giác chấp hành các quy định của pháp luật đối với các thương nhân khi tham gia hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, trong những năm qua, tình hình thị trường trên địa bàn tỉnh luôn ổn định, cân đối cung cầu hàng hoá được đảm bảo, đáp ứng các nhu cầu về sản xuất và tiêu dùng của người dân, không có tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Cùng với thương mại nội địa, trong 30 năm qua, bằng nhiều chính sách hỗ trợ của tỉnh và sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đã có bước tiến vượt bậc về cả kim ngạch và thị trường xuất khẩu. Nếu như năm 1992, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh mới đạt 2,5 triệu USD thì đến năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đã đạt 2.965,6 triệu USD, tăng gấp 1.186 lần so với năm đầu mới tái lập tỉnh. Cơ cấu hàng hoá xuất khẩu của tỉnh phát triển theo chiều hướng tích cực, tăng tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến có hàm lượng công nghệ cao, giảm tỷ trọng xuất khẩu hàng thô và gia công thuần túy. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Ninh Bình là: Xi măng và clinker; quần áo các loại; camera và linh kiện điện thoại; giày dép; các sản phẩm rau quả chế biến, đồ thủ công mỹ nghệ… Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là: Linh kiện ô tô; vải may mặc và phụ liệu; phụ liệu giày dép; linh kiện điện tử; máy móc thiết bị phụ tùng,…Thị trường xuất khẩu hàng hoá của tỉnh tiếp tục được mở rộng, nhiều sản phẩm của Ninh Bình như linh kiện điện tử, nông sản chế biến, thủ công mỹ nghệ, giày dép, quần áo... đã được xuất khẩu sang thị trường trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. ASEAN, Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc luôn là các thị trường xuất khẩu trọng điểm của tỉnh.
Những thành tựu trong 30 năm qua là động lực để ngành Công Thương tiếp tục phấn đấu duy trì mức tăng trưởng ổn định, bền vững, tạo cơ sở vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần xây dựng Ninh Bình sớm trở thành một trong tỉnh phát triển trong khu vực Đồng bằng sông Hồng./.
Bài viết: Nguyễn Thị Bích Ngọc - VP sở