Ninh Bình thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 49/NQ-CP của Chính phủ

Trong những năm qua, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh đã triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 49/NQ-CP ngày 10/7/2014 về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới và đã đạt được một số kết quả tích cực. 

Thực hiện Nghị quyết số 49/NQ-CP của Chính phủ, tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thường xuyên rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, ban hành các văn bản mới rõ ràng, cụ thể, đảm bảo tính đồng bộ, minh bạch, thống nhất, khả thi, phù hợp với các cam kết quốc tế và tình hình thực tế nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi thúc đẩy phát triển sản xuất, đảm bảo an ninh quốc phòng ở địa phương. HĐND, UBND tỉnh đã xây dựng và ban hành 864 VBQPPL nhằm triển khai thi hành VBQPPL của cấp trên liên quan đến quản lý hoạt động hội nhập quốc tế, đầu tư kinh doanh, trong đó bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và đặc biệt là tính khả thi nhằm tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp. Các sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc quy định về giảm số lượng văn bản ở cấp huyện, cấp xã theo Luật ban hành VBQPPL năm 2015, tích cực rà soát, lập và đề nghị công bố Danh mục VBQPPL hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần thuộc lĩnh vực quản lý giúp cho hệ thống pháp luật minh bạch, dễ tiếp cận, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước trong triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, Ninh Bình đã phối hợp với Cục Đầu tư nước ngoài cung cấp thông tin xây dựng hệ thống thông tin quốc gia về Đầu tư nước ngoài và ban hành Danh mục dự án ưu tiên thu hút và kêu gọi đầu tư, cử các đoàn xúc tiến đầu tư tại các quốc gia tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Châu Âu...  kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, điện tử, nông nghiệp công nghệ cao... Qua đó, tỷ lệ huy động vốn ngoài nhà nước đối với các dự án trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế. Từ năm 2014 đến nay, tỉnh Ninh Bình đã thu hút được trên 54 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 720 triệu USD. 
Nhận thức được tầm trọng của công tác cải cách hành chính mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, tỉnh Ninh Bình đã tập trung rà soát, đơn giản hóa và loại bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đẩy mạnh sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường. Tỉnh đã ban hành Kế hoạch rà soát, đánh giá quy định thủ tục hành chính và xây dựng phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã. Ninh Bình đã thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công làm đầu mối tập trung thực hiện việc tiếp nhận, hướng dẫn giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân nhằm giảm phiền hà, tăng tính công khai, minh bạch, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hướng tới xây dựng một nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại. Trong đó đã ưu tiên thực hiện các thủ tục hành chính ở mức độ 3, mức độ 4 liên quan đến đầu tư, xuất nhập khẩu, thuế, hải quan... 
Từ năm 2014 đến nay, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của tỉnh Ninh Bình luôn được lãnh đạo tỉnh rất quan tâm và chỉ đạo sát sao, quyết liệt. Kết quả là chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Ninh Bình trong những năm qua luôn ở nhóm có xếp hạng khá của cả nước, đặc biệt là năm 2014 Ninh Bình xếp hạng 11/63 tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, Ninh Bình đã ban hành các chương trình hành động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp. Tiêu biểu như Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020 trên địa bàn tỉnh, tập trung nghiên cứu, đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2008-2013 và đề xuất những chính sách, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh giai đoạn 2015-2020... Công tác xúc tiến thương mại tiếp tục được tăng cường, từ năm 2014 đến nay, các sở, ngành, địa phương đã hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hội chợ triển lãm; tổ chức các đoàn đi nghiên cứu tìm kiếm, mở rộng thị trường trong và ngoài nước với tổng kinh phí trên 8,6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh còn triển khai thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại; thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển xuất khẩu, kế hoạch thương mại điện tử, hỗ trợ đổi mới công nghệ, ứng dụng KHKT vào sản xuất, phát triển sản phẩm mới... Đến nay, nhiều sản phẩm của tỉnh như linh kiện điện tử, nông sản chế biến, thủ công mỹ nghệ, giày dép, quần áo... đã được xuất khẩu sang thị trường trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh giai đoạn 2014-2020 tăng bình quân 19,1%/năm, đến năm 2020 đạt 2.448 triệu USD Nhiều doanh nghiệp của tỉnh đã nâng cao được năng lực cạnh tranh, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Mcnex Vina, đơn vị có kim ngạch xuất khẩu đứng đầu toàn tỉnh. Ảnh: Chu Minh Tuấn.

Để tạo điều kiện giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững trong điều kiện hội nhập, tỉnh cũng tập trung hỗ trợ việc xây dựng và hoàn thiện nhãn hiệu, thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Các sản phẩm sau khi được bảo hộ đã khẳng định được thương hiệu, nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm đặc trưng của Ninh Bình. Đề án mỗi vùng có sản phẩm đặc trưng, chất lượng, an toàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2018-2020 thuộc Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm được triển khai có hiệu quả. Trong đó đã tập trung hỗ trợ các chủ thể sản xuất hoàn thiện, nâng cao chất lượng, tăng giá trị sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, xây dựng các website, trang liên kết để truyền thông, quảng bá sản phẩm. Hiện nay, trên toàn tỉnh có 26 sản phẩm OCOP được công nhận, gồm 21 sản phẩm hạng 4 sao và 05 sản phẩm hạng 3 sao. Ninh Bình cũng đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, chuyển đổi tập quán sản xuất nông nghiệp thủ công, phụ thuộc vào thời tiết sang sử dụng nhà lưới, nhà kính; ứng dụng công nghệ tưới và bón phân tự động tạo ra bước đột phá trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa an toàn... Đồng thời triển khai thực hiện các mô hình sản xuất nông, lâm, thủy sản theo hướng VietGAP, an toàn sinh học, thân thiện môi trường, thông qua các chương trình giống, chương trình khuyến nông, đề án tái cơ cấu. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp giai đoạn 2016-2020 bình quân hàng năm đạt 2,02%, vượt kế hoạch đề ra. Giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác năm 2020 đạt 138,4 triệu đồng/ha/năm tăng 30,3 triệu/ha so với năm 2015. Công tác xây dựng nông thôn mới với những chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ phát triển sản xuất, dồn điền đổi thửa... đã góp phần rất lớn thay đổi bộ mặt nông thôn hiện đại hơn, văn minh hơn, thu nhập và điều kiện sống của người dân được cải thiện, nâng cao. 
Phát huy những kết quả đạt được trong thời gian tới, Ban chỉ Hội nhập quốc tế tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh triển khai tốt các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ công chức, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh về hội nhập kinh tế quốc tế. Thực hiện có hiệu quả các giải pháp khuyến khích, đẩy mạnh xuất khẩu, tận dụng cơ hội thị trường và ưu đãi theo tinh thần các Hiệp định thương mại tự do FTA mà Việt Nam đã ký kết với Hàn Quốc, EU, các nước CPTPP... để thu hút các dự án đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp sạch, công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, nông sản chế biến, dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng tạo được tính lan tỏa làm động lực  thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.


        Bài: Đỗ Tân -XNK