Ninh Bình triển khai có hiệu quả các Chương trình hành động về Hội nhập kinh tế quốc tế

Năm 2007, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thể giới (WTO). 10 năm qua, xác định được tầm quan trọng của Hội nhập kinh tế quốc tế, Ninh Bình đã thực hiện kịp thời các cơ chế, chính sách của trung ương, đồng thời ban hành các chương trình, kế hoạch cụ thể, sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, từng bước xây dựng nền kinh tế năng động đáp ứng yêu cầu hội nhập.  

 

Sở Công Thương phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương tổ chức hội nghị tập huấn về xuất xứ hàng hóa cho các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh. Ảnh Minh Tuấn.
 

Những năm qua, Ninh Bình đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về quan điểm chỉ đạo, chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Chính phủ về phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế; phổ biến các cam kết khi Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại tự do, nhất là lộ trình cắt giảm thuế quan, phương pháp vượt qua các rào cản phi thuế quan,... đến các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong tỉnh. Từ năm 2007 đến nay, Ninh Bình đã tổ chức 20 hội nghị phổ biến kiến thức hội nhập kinh tế quốc tế, cam kết gia nhập WTO và các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia cho hơn 2.900 lượt cán bộ, công chức, viên chức và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tổ chức hàng trăm hội nghị, tọa đàm lồng ghép tuyên truyền phổ biến pháp luật về lao động với hội nhập kinh tế quốc tế cho người lao động và người sử dụng lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thông qua đó đã giúp nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân về những thuận lợi và thách thức đối với Việt nam nói chung, tỉnh Ninh Bình nói riêng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc hoàn thiện pháp luật và thể chế kinh tế, Ninh Bình đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thường xuyên rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, ban hành các văn bản mới rõ ràng, cụ thể, đảm bảo tính đồng bộ, minh bạch, thống nhất, khả thi, phù hợp với các cam kết quốc tế và tình hình thực tế địa phương nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi thúc đẩy phát triển sản xuất, đảm bảo an ninh quốc phòng ở địa phương; tiến hành rà soát, sửa đổi bổ sung, hoàn thiện chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư để phù hợp với quy định của Luật Đầu tư 2014, Luật Doanh nghiệp 2014, đảm bảo có chính sách ưu đãi, hỗ trợ tốt nhất cho các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tiêu biểu như Quyết định số 35/2014/QĐ-UBND ngày 09/12/2014 về chính sách khuyến khích ưu đãi, hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ đối với ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Qua đó, tỷ lệ huy động vốn ngoài nhà nước đối với các dự án trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.

Nhận thức được tầm trọng của công tác cải cách hành chính mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, Ninh Bình đã tập trung rà soát, đơn giản hóa và loại bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đẩy mạnh sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường. Đến nay, 100% cơ quan hành chính các cấp trong tỉnh đã triển khai cơ chế một cửa và một cửa liên thông, trong đó ưu tiên thực hiện các thủ tục hành chính ở mức độ 3, mức độ 4 liên quan đến đầu tư, xuất nhập khẩu, thuế, hải quan... trên hệ thống một cửa điện tử của tỉnh. Trong bối cảnh hội nhập, Ninh Bình luôn chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương (PCI), doanh nghiệp và các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Ninh Bình đã tiến hành nghiên cứu, đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2008-2013 và đề ra những chính sách, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh giai đoạn 2015-2020,... Bên cạnh đó, tỉnh còn triển khai thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại; kế hoạch phát triển xuất khẩu, kế hoạch thương mại điện tử, khuyến công và xúc tiến thương mại nhằm tháo gỡ khó khăn và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Với nỗ lực đó, 10 năm qua, chỉ số PCI của tỉnh đã tăng 39 bậc (từ xếp thứ 58 năm 2007 lên 19 năm 2016).
 

Hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô tại nhà máy Hyundai Thành Công.
 

Hoạt động thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt được kết quả tốt, nếu như năm 2007 (thời điểm Việt Nam gia nhập WTO), toàn tỉnh chỉ có 12 dự án FDI với tổng vốn đăng ký là 607 triệu USD thì đến cuối năm 2017 đã có 54 dự án FDI đang triển khai với tổng số vốn đạt gần 1,22 tỷ USD. Thu hút vốn hỗ trợ phát triển (ODA) cũng đạt được nhiều kết quả khả quan, hiện nay, tỉnh đang triển khai 12 dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài, tổng mức đầu tư của các dự án trên 3,7 nghìn tỷ đồng, tập trung vào xử lý chất thải rắn, cấp thoát nước, y tế, giao thông,... góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trong tỉnh.
Thực hiện tốt tiến trình hội nhập, đến nay, nhiều nhà đầu tư lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan,... đã có mặt tại Ninh Bình, tiêu biểu như dự án sản xuất, lắp ráp ô tô của Hyundai Thành Công; Thép Kyoei; giày Andora, Chung jye; linh kiện điện tử MC Nex, Sanico... thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất công nghiệp và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh, góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương. Đặc biệt, dự án nhà máy ô tô Hyundai Thành công với tổ hợp hợp sản xuất, lắp ráp ô tô và linh kiện phụ trợ có quy mô hàng đầu Việt Nam sản xuất, lắp ráp xe ô tô du lịch, xe khách, xe bus, xe mini bus công suất trên 40.000 xe/năm, năm 2017, nộp ngân sách trên 2.900 tỷ đồng. Giá trị sản xuất công nghiệp của Ninh Bình năm 2017 ước đạt 40,3 nghìn tỷ đồng, tăng 7,3 lần so với năm 2007. Đến nay, nhiều sản phẩm của tỉnh như linh kiện điện tử, nông sản chế biến, thủ công mỹ nghệ, giày dép, quần áo... đã được xuất khẩu sang thị trường trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Năm 2017 kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 1,15 tỷ USD, tăng so 32,1 lần với năm 2007.
 

Hoạt động sản xuất tại nhà máy thép Kyoei.


Để nâng chất lượng sản phẩm nông nghiệp, đảm bảo phát triển bền vững trong điều kiện hội nhập, tỉnh đã tập trung cho việc nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, xây dựng và hoàn thiện nhãn hiệu, thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời đã lựa chọn phát triển các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, áp dụng các biện pháp canh tác, nuôi trồng, thu hoạch tiên tiến gắn với thị trường tiêu thụ và xuất khẩu. Đến nay, nhiều sản phẩm nông nghiệp chế biến của tỉnh như vải, dứa, măng, dưa chuột... đã được xuất khẩu sang thị trường các nước EU, Mỹ, Nhật...

Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, Ninh Bình đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch giới thiệu về các điểm đến hấp dẫn, nhất là Quần thể danh thắng Trang An được UNESCO công nhân là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Bên cạnh đó, tỉnh đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng, nhất là các khu du lịch trọng điểm, như khu du lịch sinh thái Tràng An, khu du lịch Cố đô Hoa Lư, khu du lịch Kênh Gà - Vân Trình, khu công viên động vật hoang dã quốc gia...; tôn tạo, tu bổ các di tích lịch sử - văn hóa, đồng thời triển khai nhiều sản phẩm du lịch mới phục vụ du khách như: sân golf Tràng An, tuyến du lịch Hành Cung Vũ Lâm – đền Quý Minh Đại Vương (Tràng An), tour chùa Bái Đính về đêm, hang Múa, động Am Tiên... Năm 2017, tổng lượt khách tham quan du lịch ước đạt 7 triệu lượt (trong đó đón 850 nghìn lượt khách quốc tế), tăng 4,7 lần so với năm 2007, doanh thu du lịch ước đạt 2,48 nghìn tỷ đồng, tăng 23 lần so với năm 2007. 

Những năm qua, dù còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì được tăng trưởng, góp phần ổn định kinh tế - xã hội của tỉnh. Ninh Bình đã phê duyệt và ban hành Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2015-2020, trong đó thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; đẩy mạnh dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất thông qua các hình thức liên kết sản xuất và xây dựng các vùng tập trung chuyên canh. Nhờ vậy, bước đầu Ninh Bình đã xây dựng được các chuỗi nông sản chủ lực, bao gồm chuỗi liên kết lúa chất lượng cao với cánh đồng mẫu lớn, vùng sản xuất rau an toàn, xây dựng các mô hình thủy sản hiệu quả cao, chăn nuôi an toàn sinh học gắn với thị trường tiêu thụ. Năm 2017, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản ước đạt 8,43 nghìn tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với 2007. 

Nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có trình độ cao đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, những năm qua, Ninh Bình đã chú trọng triển khai các đề án, chương trình mục tiêu quốc gia về dạy nghề, tạo việc làm cho người lao động. Tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tập trung tuyển sinh, đạo tạo nghề, phối hợp với các doanh nghiệp nâng cao tay nghề và giải quyết việc làm sau đào tạo cho người lao động. 10 năm qua, Ninh Bình đã tuyển sinh và đào tạo nghề cho 180.704 lượt người, trong đó đào tạo nghề dài hạn cho 54.034 lượt người, tạo điều kiện cho hàng chục nghìn người đi xuất khẩu lao động; đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh đã đạt 46%, lao động cũng dịch chuyển mạnh từ nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp, thương mại, từng bước đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực phục vụ công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế. 

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Ban chỉ đạo Hội nhập Quốc tế tỉnh sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả hội nhập và hợp tác kinh tế; tăng cường thu hút vốn đầu tư, mở rộng các hoạt động giao lưu, hợp tác thương mại với các địa phương trong nước và quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm; từng bước tiếp tục thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh cho nền kinh tế của tỉnh. Phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế gắn với thực hiện tốt các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, bảo đảm AN-QP và TTXH, đưa Ninh Bình sớm trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Đồng bằng sông Hồng.

 

Hoàng Trung Kiên – Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo  Hội nhập Quốc tế tỉnh – Giám đốc Sở Công Thương