Hội nghị phổ cơ chế chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo chế độ GSP và giới thiệu Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU

Ngày 16/11, Sở Công Thương phối hợp với phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị phổ cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập của Liên minh châu Âu, Na Uy, Thụy Sỹ, Thổ Nhĩ Kỳ; giới thiệu Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện phân luồng trong cấp C/O ưu đãi cho lãnh đạo và chuyên viên phụ trách xuất nhập khẩu các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh. Dự hội nghị có đồng chí Hoàng Trung Kiên, Bí thư Đảng bộ, Giám đốc Sở Công Thương; đại diện lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương cùng hơn 80 đại biểu là lãnh đạo và chuyên viên phụ trách xuất nhập khẩu các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh.

 

 

Đồng chí Hoàng Trung Kiên, Bí thư Đảng bộ, Giám đốc Sở Công Thương dự hội nghị. Ảnh Minh Tuấn.

 

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Hoàng Trung Kiên, Bí thư Đảng bộ, Giám đốc Sở nhấn mạnh, hội nhập kinh tế quốc tế có vai trò hết sức quan trọng, mở ra không gian phát triển cho nền kinh tế, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng thời, tạo cơ hội để Việt Nam thực hiện chiến lược cơ cấu lại thị trường xuất khẩu theo hướng cân bằng hơn, thúc đẩy cải cách và tái cơ cấu nền kinh tế, tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp. Hiện nay, Việt Nam đã tham gia 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 12 FTA đã ký (10 FTA đã có hiệu lực đang thực hiện, 2 FTA sắp có hiệu lực), 2 FTA đã kết thúc đàm phán và 3 FTA đang trong quá trình đàm phán. Các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký và đang đàm phán hầu hết đều là FTA thế hệ mới với mức độ tự do hoá cao có tác động quan trọng đến thu hút đầu tư và thúc đẩy xuất khẩu.

 

Tuy nhiên, điều kiện quan trọng để hưởng mức thuế quan ưu đãi đó chính là hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bắt buộc phải đáp ứng quy tắc xuất xứ được thiết kế riêng cho từng FTA, và chỉ khi đáp ứng quy tắc xuất xứ thì hàng hóa đó mới được cấp giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi vốn là căn cứ pháp lý quan trọng nhất để cơ quan hải quan nước nhập khẩu xác định hàng hóa đến từ đâu, có đủ điều kiện để hưởng mức thuế quan ưu đãi lý tưởng của FTA hay không. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh cần ghi nhớ “Quy tắc xuất xứ” luôn luôn là yếu tố quan trọng nhất trong tất cả các hiệp định thương mại tự do. Trong bộ chứng từ xuất khẩu thì C/O là công cụ để xác định hàng hóa nhập khẩu có được hưởng thuế quan ưu đãi hay không, giúp duy trì sự cân bằng hợp lý giữa “thuận lợi hóa thương mại” và “phòng tránh gian lận thương mại”, đo mức độ tận dụng ưu đãi từ các FTA của các nền kinh tế thành viên. Hiện nay, Việt Nam đã tham gia, ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương và song phương, tạo điều kiện để hàng hóa xuất khẩu được hưởng ưu đãi về thuế quan. Tuy nhiên, còn nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình chưa nắm bắt đầy đủ các quy định về quy tắc xuất xứ, lúng túng trong việc thực hiện các quy định về quy tắc xuất xứ của các nước mà Việt Nam đã ký kết FTA, bỏ lỡ cơ hội xuất khẩu, đầu tư vào thị trường các nước này. Chính vì vậy, việc phổ biến, tuyên truyền về các nội dung trong FTA, đặc biệt là các quy định về xuất xứ hàng hóa có vai trò hết sức quan trọng, giúp các doanh nghiệp trên địa bàn nắm bắt đầy đủ các quy định về quy tắc xuất xứ nhằm tận dụng được ưu đãi thuế quan từ các FTA, từng bước mở rộng thị trường, gia tăng kim ngạch xuất khẩu.

 

Quang cảnh hội nghị. Ảnh Minh Tuấn.

 

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe nghe báo cáo viên của Cục Xuất nhập khẩu giới thiệu cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập của Liên minh châu Âu, Na Uy, Thụy Sỹ, Thổ Nhĩ Kỳ; tổng quan về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA); quy tắc xuất xứ của GSP và FTA. Báo cáo viên ở TMĐT và Kinh tế số - Bộ Công Thương giới thiệu việc thực hiện phân luồng trong cấp C/O ưu đãi qua hệ thống eCoSys trên mạng Internet theo quy định tại Thông tư số 15/2018/TT-BCT ngày 29/6/2018 của Bộ Công Thương; một vấn đề doanh nghiệp hay vướng mắc khi xin cấp C/O qua internet. Đặc biệt tại hội nghị, các đồng chí trực tiếp đi đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước của Bộ Công Thương đã giành thời gian trao đổi, giải đáp một số thắc mắc của các doanh nghiệp liên quan đến việc xác định xuất xứ hàng hóa, một số rào cản thương mại của các nước Châu Âu, kỹ năng khai báo mã Rex, những lưu ý về tập quán thương mại quốc tế… Đây là những kiến thức rất bổ ích đối với các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh, giúp các đơn vị tận dụng có hiệu quả những ưu đãi thuế quan để mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu, góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.
 

                                                                                                                                 Đỗ Tân - Trưởng phòng QLXNK