Theo đó, đối tượng áp dụng của Quy chế bao gồm các tổ chức, cá nhân trực tiếp đầu tư, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, bao gồm: Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật; Các cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn; Tổ chức, cá nhân tham gia công tác quản lý, thực hiện các hoạt động dịch vụ khuyến công.
Hỗ trợ ứng dụng dây chuyền công nghệ mới: Hệ thống móc áo thông minh tự động hóa quy trình sản xuất quần áo của Công ty TNHH thời trang Itas Mars Intimates, Lô CN01, Khu đô thị mới Phúc Trì, Phường Nam Thành, Thành phố Ninh Bình. Ảnh Hoàng Thị Thùy.
Các tổ chức, cá nhân được hỗ trợ kinh phí khuyến công phải có nội dung nhiệm vụ, đề án phù hợp với nội dung quy định tại Điều 6 và ngành nghề phù hợp với danh mục ngành nghề quy định tại Điều 5 của Quyết định.
Nội dung và mức hỗ trợ động khuyến công được điều chỉnh tăng so với quy định tại Quyết định số 18/2015/QĐ-UBND ngày 01/7/2015 của UBND tỉnh Ninh Bình, cụ thể: Chi hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật để phổ biến công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới, mức hỗ trợ tối đa 30% chi phí nhưng không quá 600 triệu đồng/mô hình (tăng 300 triệu đồng/mô hình); Mô hình của các cơ sở công nghiệp nông thôn đang hoạt động có hiệu quả cần phổ biến tuyên truyền, nhân rộng để các tổ chức, cá nhân khác học tập, mức hỗ trợ không quá 100 triệu đồng/mô hình (tăng 30 triệu đồng/mô hình); Hỗ trợ xây dựng mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp cho các cơ sở sản xuất công nghiệp, mức hỗ trợ tối đa 30% chi phí nhưng không quá 300 triệu đồng/mô hình (quy định mới); Hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến, chuyển giao công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, mức hỗ trợ tối đa 50% chi phí nhưng không quá 300 triệu đồng/cơ sở (tăng 150 triệu đồng/cơ sở), trường hợp chi hỗ trợ dây chuyền công nghệ thì mức hỗ trợ tối đa không quá 1,5 lần mức hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, chuyển giao công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; Hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tại cơ sở công nghiệp nông thôn, mức hỗ trợ tối đa 30% chi phí, nhưng không quá 300 triệu đồng/cơ sở (tăng 100 triệu đồng/cơ sở); Hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp, mức hỗ trợ tối đa 50% chi phí nhưng không quá 500 triệu đồng/cụm công nghiệp (tăng 200 triệu đồng/cụm công nghiệp); Hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp, mức hỗ trợ tối đa không quá 3 tỷ đồng/cụm công nghiệp (tăng 3 tỷ đồng/cụm công nghiệp). Quyết định quy định cụ thể các mức chi hỗ trợ các phòng trưng bày để giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại các cơ sở công nghiệp nông thôn: Cơ sở công nghiệp nông thôn có sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia: mức hỗ trợ tối đa không quá 70 triệu đồng/phòng trưng bày, Cơ sở công nghiệp nông thôn có sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực: mức hỗ trợ tối đa không quá 50 triệu đồng/phòng trưng bày, Cơ sở công nghiệp nông thôn có sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh: mức hỗ trợ tối đa không quá 40 triệu đồng/phòng trưng bày. Mức hỗ trợ đối với các nội dung hoạt động khuyến công khác được thực hiện theo quy định của Thông tư số 28/2018/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công.
Quyết định số 18/2019/QĐ-UBND còn quy định chi tiết việc lập, chấp hành và quyết toán kinh phí khuyến công và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan đến hoạt động khuyến công.
Để hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt Quyết định số 18/2019/QĐ-UBND của UBND tỉnh, Liên Sở Công Thương - Tài chính đã ban hành Văn bản số 839/HDLS-SCT-STC ngày 28/6/2019 hướng dẫn trình tự lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công tỉnh Ninh Bình, trong đó quy định chi tiết các điều kiện để được hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, hỗ trợ áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, Hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến, chuyển giao công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.
Về xây dựng kế hoạch khuyến công hàng năm: Đăng ký kế hoạch nhu cầu kinh phí khuyến công được hoàn thành chậm nhất trước ngày 30/7 năm trước liền kề năm kế hoạch: Tổ chức, cá nhân tham gia công tác quản lý, thực hiện các hoạt động dịch vụ khuyến công trên địa bàn tỉnh Ninh Bình gửi về Trung tâm Khuyến công Xúc tiến thương mại và Phát triển cụm công nghiệp; Tổ chức, cá nhân trực tiếp đầu tư, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình gửi về phòng Kinh tế/Kinh tế và Hạ tầng UBND huyện, thành phố để phòng Kinh tế/Kinh tế và Hạ tầng tổng hợp gửi Trung tâm trước ngày 10/8 năm trước liền kề năm kế hoạch. Sở Công Thương phối hợp với Trung tâm lựa chọn, kiểm tra thực tế để đánh giá khả năng hiệu quả đề án đạt được tại các đơn vị có đề xuất nhu cầu khuyến công, tổng hợp, phối hợp với phòng Quản lý ngân sách của Sở Tài chính thẩm định kế hoạch khuyến công hàng năm trước 30/8 năm trước liền kề năm kế hoạch.
Về quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công: Căn cứ vào Quyết định phê duyệt kế hoạch khuyến công hàng năm, Trung tâm Khuyến công Xúc tiến thương mại và Phát triển cụm công nghiệp thông báo tới các đơn vị được thụ hưởng hoàn thiện đề án khuyến công kèm theo dự toán chi tiết thực hiện đề án, tổng hợp đề án khuyến công và dự toán kinh phí thực hiện đề án của các đơn vị thụ hưởng trình Sở Công Thương và Sở Tài chính thẩm định; Căn cứ kết quả thẩm định của Sở Công Thương và Sở Tài chính, Trung tâm tổng hợp dự toán kinh phí thực hiện đề án của các đơn vị thụ hưởng đề nghị Sở Tài chính cấp kinh phí.
Sau khi đề án được chấp nhận đơn vị thụ hưởng có trách nhiệm triển khai thực hiện (theo đúng nội dung, quy mô, tiến độ thời gian...), báo cáo tiến độ thực hiện và văn bản đề nghị cấp tạm ứng kinh phí. Căn cứ báo cáo tiến độ thực hiện đề án của đơn vị thụ hưởng, Trung tâm tổ chức đoàn kiểm tra tiến độ thực hiện, nếu đảm bảo theo đúng đề án được phê duyệt thì được cấp tạm ứng kinh phí không quá 70% tổng mức kinh phí được hỗ trợ, khi đơn vị hoàn thành đề án, có biên bản nghiệm thu thì cấp tiếp số kinh phí còn lại.
Báo cáo quyết toán kinh phí khuyến công và báo cáo kết quả thực hiện đề án khuyến công: Chậm nhất sau 05 ngày kể từ ngày hoàn thành đề án, đơn vị phải báo cáo Trung tâm để tổ chức nghiệm thu. Chậm nhất sau 15 ngày kể từ khi đề án được nghiệm thu, đơn vị phải lập biểu chi tiết quyết toán và bảng kê chứng từ đề nghị quyết toán nộp Trung tâm (gửi kèm 01 bộ chứng từ phô tô của đề án).
Chậm nhất trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo hoàn thành đề án của đơn vị thụ hưởng, Trung tâm báo cáo Sở Công Thương và phối hợp với phòng Kinh tế/Kinh tế và Hạ tầng các huyện, thành phố tổ chức nghiệm thu và đánh giá kết quả thực hiện đề án báo cáo Sở Tài chính để cấp tiếp phần kinh phí khuyến công còn lại của đề án cho đơn vị. Lập biểu đối chiếu kinh phí với đơn vị.
Căn cứ vào biểu chi tiết quyết toán và chứng từ chi của các đơn vị, Trung tâm kiểm tra, tổng hợp, lập báo cáo quyết toán kinh phí khuyến công của toàn tỉnh gửi Sở Tài chính, Sở Công Thương. Thời hạn xong trước ngày 31 tháng 3 năm sau.
Hoàng Thị Thùy - Quản lý Công nghiệp