Khuyến công Ninh Bình đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua đại dịch

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn bị ảnh hưởng ở nhiều mặt: cung ứng nguyên vật liệu, thị trường tiêu thụ sản phẩm, vận chuyển hàng hóa; với quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, vừa tập trung phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân, tỉnh Ninh Bình đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng chống dịch, duy trì và phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, cùng với sự chủ động tăng cường thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các đơn vị, nên hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ sở, doanh nghiệp tương đối ổn định, một số đơn vị doanh thu tăng trưởng khá. 

Trong lúc khó khăn, sự đồng hành của chính sách khuyến công là nguồn động viên lớn đối với các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn để nhanh chóng khôi phục, ổn định sản xuất, vững vàng vượt qua đại dịch.
Năm 2021, tổng kinh phí khuyến công được Bộ Công Thương và HĐND tỉnh phê duyệt là 6.078 triệu đồng, trong đó kế hoạch kinh phí khuyến công quốc gia 1.700 triệu đồng, kế hoạch kinh phí khuyến công địa phương 4.378 triệu đồng.
Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, chương trình khuyến công quốc gia chỉ được 75,641 tỷ đồng cho 46 địa phương, 5 tổ chức dịch vụ khuyến công và Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1, đạt 50% tổng dự toán năm 2021 (kế hoạch 150 tỷ đồng), giảm hơn 50% so với kinh phí được giao năm 2020, Bộ Công Thương cũng quyết định ngừng thực hiện do không bố trí được kinh phí đối với một số đề án/nhiệm vụ.

Hỗ trợ máy ghép mí trong chế biến hàng nông sản xuất khẩu

cho Công ty CP chế biến nông sản Vinamosa, xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh

Mặc dù khó khăn trong phân bổ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, nhưng là tỉnh thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ sở công nghiệp nông thôn tương đối ổn định nên các đề án KCQG trên địa bàn tỉnh Ninh Bình vẫn đảm bảo thực hiện 100% kế hoạch theo Quyết định số 3536/QĐ-BCT ngày 30/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc giao kế hoạch kinh phí KCQG năm 2021 cho tỉnh Ninh Bình thực hiện hỗ trợ 02 đề án với kinh phí hỗ trợ 1.700 triệu đồng (Đề án Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất đồ gỗ với kinh phí hỗ trợ 600 triệu đồng cho 02 đơn vị và đề án Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất, chế tác đá mỹ nghệ với kinh phí 1.100 triệu đồng cho 04 đơn vị). Ngoài ra, Sở Công Thương đã phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 triển khai thực hiện 03 đề án KCQG với tổng kinh phí hỗ trợ 1,868 tỷ đồng cho 08 đơn vị. Như vậy, năm 2021, tỉnh Ninh Bình có 16 cơ sở công nghiệp nông thôn được thụ hưởng hỗ trợ từ nguồn kinh phí KCQG 3,568 tỷ đồng, chiếm 4,72% tổng kinh phí KCQG, kết quả là sự nỗ lực cố gắng của Sở Công Thương tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn khắc phục khó khăn, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh vượt qua đại dịch.
Đối với Chương trình khuyến công địa phương, năm 2021, Nghị quyết số 104/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt hỗ trợ cho 35 đề án cho 24 đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí 4.378 triệu đồng. Sở Công Thương đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến công xúc tiến thương mại và Phát triển cụm công nghiệp phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện, do đại dịch Covid-19 kéo dài một số đề án xin ngừng thực hiện: tham gia 5 hội chợ trong nước; khảo sát, học tập kinh nghiệm ngoài tỉnh; một số đề án hỗ trợ đầu tư máy móc tiên tiến và hỗ trợ lãi suất vốn vay để chuyển địa điểm sản xuất từ khu dân cư ra các cụm công nghiệp sản xuất tập trung. Tỉnh Ninh Bình cho phép ngừng thực hiện các đề án theo đề nghị của Sở Công Thương, tuy nhiên không điều chỉnh kinh phí sang thực hiện các đề án khác mà tập trung kinh phí cho công tác phòng chống dịch. Như vậy sau khi điều chỉnh, kinh phí khuyến công địa phương năm 2021 hỗ trợ thực hiện 20 đề án với tổng kinh phí hỗ trợ là 2.558 triệu đồng đạt 58,5% so với kế hoạch.
Dù nguồn kinh phí hạn hẹp nhưng với sự nỗ lực của các đơn vị, công tác khuyến công tỉnh Ninh Bình vẫn đạt được những con số đáng ghi nhận: 26 cơ sở được hỗ trợ ứng dụng máy móc tiên tiến trong sản xuất; 08 đơn vị được hỗ trợ tư vấn đánh giá sản xuất sạch hơn; 170 người được đào tạo nâng cao năng lực quản lý và khởi sự doanh nghiệp; 90 hội viên HTX được tập huấn nâng cao năng lực quản lý, áp dụng kỹ thuật sản xuất sạch; tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Ninh Bình với 77 hồ sơ đăng ký tham gia của 48 cơ sở, đơn vị, Hội đồng bình chọn đã công nhận cho 35 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2021; bên cạnh đó, Sở đã hướng dẫn, đăng ký tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2021 cho 05 sản phẩm, bộ sản phẩm, 4/5 sản phẩm đã được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2021.
Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến việc thực hiện đề án khuyến công của một số đơn vị thụ hưởng. Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Công Thương Ninh Bình đã thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình sản xuất kinh doanh của các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong đó có các đơn vị được hỗ trợ kinh phí khuyến công, kịp thời hướng dẫn, điều chỉnh kế hoạch khuyến công phù hợp với tình hình thực tế tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp giải quyết khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh trong điều kiện mới. Các đề án chưa triển khai thực hiện trong năm 2021, Sở sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp để thực hiện những năm tiếp theo.


Bài viết và ảnh: Hoàng Thùy - Phòng CN