Quảng bá, giới thiệu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Ninh Bình tới khách du lịch trong nước và quốc tế
Coi trọng công tác tuyên truyền
Đồng chí Đỗ Việt Anh, Chủ tịch ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo Cuộc vận động cấp tỉnh cho biết: Ngay sau khi Trung ương về triển khai Cuộc vận động, Ban Thường trực ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Thông tri hướng dẫn triển khai Cuộc vận động và thành lập Ban Chỉ đạo tỉnh. 8/8 huyện, thành phố tham mưu cho cấp ủy cùng cấp ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai Cuộc vận động, tổ chức quán triệt các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về triển khai thực hiện Cuộc vận động tại địa phương.
Trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa thương hiệu Việt, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ về thực hiện Cuộc vận động.
Ban Chỉ đạo tỉnh đã tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Cuộc vận động tại Trung tâm văn hóa tỉnh Ninh Bình, thu hút nhiều doanh nghiệp và trên 1.500 đại diện người tiêu dùng tham dự, tạo khí thế hưởng ứng Cuộc vận động của các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình xây dựng và triển khai kế hoạch thông tin, tuyên truyền, đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền cổ động về Cuộc vận động với hình thức, nội dung phù hợp.
Cụ thể như: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã kịp thời hướng dẫn, định hướng công tác tuyên truyền về Cuộc vận động cho các cơ quan, đơn vị trong tỉnh và trên các phương tiện thông tin đại chúng; chỉ đạo thông tin tại các hội nghị báo cáo viên, sinh hoạt chi bộ đảng và các đoàn thể nhân dân; đưa nội dung tuyên truyền Cuộc vận động vào Bản tin thông báo nội bộ của tỉnh do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy biên tập và xuất bản.
Báo Ninh Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đã có nhiều tin, bài, ảnh, phóng sự, chuyên mục được đăng tải, phát sóng. Sở Công thương phối hợp với các sở, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tài liệu, pa nô, băng zôn, khẩu hiệu..., trong đó Sở đã phát hành 11.360 bản tin Công thương, xây dựng 1 chuyên mục riêng về Cuộc vận động trên trang Website của Sở...
Các tổ chức chính trị - xã hội đã chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức tuyên truyền về Cuộc vận động trong cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân qua các hội nghị, tập huấn, các buổi sinh hoạt khu dân cư, họp thôn, tổ dân phố...
Qua tuyên truyền đã làm chuyển biến nhận thức của người dân và các thành phần kinh tế có cách nhìn đúng đắn về tiềm năng phát triển kinh tế đất nước trước xu thế phát triển hội nhập kinh tế quốc tế. Người tiêu dùng đã từng bước nhận thức đúng đắn hơn khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam và chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam; tâm lý sính ngoại của một bộ phận người tiêu dùng đã có sự thay đổi, phong cách tiêu dùng mới từng bước được xây dựng; hàng hóa, sản phẩm do Việt Nam sản xuất có tỷ lệ tiêu thụ ngày càng tăng...
Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp
Cũng theo đồng chí Đỗ Việt Anh, Chủ tịch ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Cuộc vận động cấp tỉnh: Trong 10 năm thực hiện Cuộc vận động trên địa bàn, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong phân phối, tiêu thụ hàng hóa, mở rộng thị trường được cấp ủy, chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm.
Theo đó, tỉnh đã xây dựng và triển khai quy hoạch phát triển công nghiệp, quy hoạch phát triển nghề và làng nghề kết hợp với phục vụ du lịch, quy hoạch phát triển điện lực cấp tỉnh và cấp huyện, quy hoạch phát triển cụm công nghiệp, thu hút và đẩy nhanh tiến độ các dự án sản xuất phân đạm, dự án thép chất lượng cao nhằm thay thế hàng nhập khẩu; tạo điều kiện cho các dự án phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh đi vào ổn định; cải tạo, nâng cấp lưới điện, đặc biệt là lưới điện nông thôn phục vụ tốt nhu cầu sản xuất và đời sống nhân dân.
Các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành các nghị quyết quan trọng như: Nghị quyết số 04-NQ/TU về trồng, chế biến cói, thêu ren, chế tác đá mỹ nghệ và Nghị quyết số 05-NQ/TU về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030.
Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 31 về việc phê duyệt Đề án số 11 về Khuyến nông hỗ trợ mở rộng diện tích sản xuất lúa chất lượng cao giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 37 về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết số 39 quy định chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức tổ chức sản xuất tiên tiến, bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2020.
Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh ban hành Nghị quyết số 07 và Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 07 về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để phát triển ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp điện tử trở thành ngành kinh tế chủ lực, tăng nguồn thu cho ngân sách tỉnh...
Trong 10 năm qua, đã tổ chức thực hiện 155 chương trình xúc tiến thương mại với tổng số tiền gần 15,2 tỷ đồng; tổ chức cho 13 doanh nghiệp tham gia hội chợ, khảo sát thị trường nước ngoài và 39 doanh nghiệp tham gia các hội chợ với trên 4.250 gian hàng tại 8/8 huyện, thành phố, thu hút 1.900 lượt doanh nghiệp tham gia và 1.900.000 lượt người tham quan, mua sắm, trị giá giao dịch khoảng 60 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, hỗ trợ tổ chức 11 chương trình đưa hàng Việt về nông thôn và 3 đợt đưa hàng Việt về khu công nghiệp với 110 gian hàng, thu hút 55 lượt doanh nghiệp tham gia và 86.000 lượt khách tham quan mua sắm, trị giá giao dịch khoảng 13 tỷ đồng; tổng số tiền hỗ trợ từ nguồn kinh phí xúc tiến thương mại của Trung ương và tỉnh là 423 triệu đồng, các sản phẩm được trưng bày như sữa, chế biến nông sản, thuốc tân dược, giống cây trồng, điện tử và nhiều sản phẩm tiểu thủ công nghiệp của các làng nghề truyền thống…đã được giới thiệu với người tiêu dùng.
Trong 10 năm, đã tiếp nhận, theo dõi 12.525 chương trình bán hàng Việt khuyến mại của 170 doanh nghiệp và xác nhận cho các doanh nghiệp tổ chức 114 chương trình khuyến mại với tổng giá trị hàng hóa khuyến mại trên 4.200 tỷ đồng...
Với sự quan tâm, tạo điều kiện của tỉnh, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất lao động, ưu tiên sử dụng nguyên liệu sản xuất trong nước, đồng thời tích cực đổi mới mẫu mã sản phẩm nhằm đáp ứng thị hiếu của khách hàng với phương châm cung cấp ra thị trường các sản phẩm đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý.
Các nhà phân phối tăng cường quảng bá giới thiệu sản phẩm, thực hiện tốt chính sách khuyến mại, giảm giá, tặng quà khi mua sản phẩm, các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh đã nâng cao tỷ trọng hàng Việt trong cơ cấu hàng hóa kinh doanh, tăng cường khai thác nguồn hàng sản xuất trong nước, hàng Việt Nam chất lượng cao để dần thay thế các loại hàng hóa cùng chủng loại nhập khẩu từ nước ngoài.
Một số sản phẩm như cơm cháy Ninh Bình, rượu Kim Sơn, sản phẩm nước giải khát của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, gốm Bồ Bát, xi măng, phân bón… đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, được người tiêu dùng trong tỉnh, trong nước tin tưởng sử dụng.
Nhiều mô hình, điển hình tốt trong thực hiện Cuộc vận động
Với tinh thần chủ động, sáng tạo và sự quyết liệt trong triển khai thực hiện Cuộc vận động, đến nay đã xuất hiện nhiều mô hình sáng tạo và triển khai thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động. Đó là các mô hình: Mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị (tổ chức sản xuất gắn với bảo quản, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu) như: chuỗi giá trị rau, củ quả của Công ty cổ phần chế biến nông sản Việt Xanh (huyện Yên Khánh); chuỗi giá trị con nuôi đặc sản của doanh nghiệp Tiến Lý (thành phố Tam Điệp), HTX con nuôi đặc sản Yên Hòa (huyện Yên Mô),..
Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trong nhà bạt thích ứng với biến đổi khí hậu (3 vụ/năm) mới có Ninh Bình làm được, giá trị đạt 9-10 tỷ đồng/ha/năm. Các mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao: Mô hình sản xuất rau, củ quả an toàn trong nhà lưới, áp dụng hệ thống tới phun mưa, nhỏ giọt tại các huyện Yên Khánh, Yên Mô, Gia Viễn, thành phố Ninh Bình, thành phố Tam Điệp…
Mô hình sản xuất rau an toàn ngoài trời sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm quy mô tập trung từ 10-20 ha ở xã Khánh Hải, Khánh Hội, Khánh Cường (huyện Yên Khánh), Khánh Dương (huyện Yên Mô). Mô hình sản xuất lợn, gà hữu cơ của Tập đoàn ORGEN tại xã Gia Hòa (huyện Gia Viễn) mô hình sản xuất lúa đặc sản theo hướng hữu cơ kết hợp nuôi thủy sản tại xã Khánh Trung, Khánh Nhạc (huyện Yên Khánh) và Xuân Thiện (huyện Kim Sơn)…
Ngoài ra còn có các mô hình như: Tổ liên kết về sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ tổng hợp hoạt động có hiệu quả như Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn tại xã Khánh Công, huyện Yên Khánh; mô hình “Trồng cây thuốc nam trên đất bãi bồi ven biển” tại xã Kim Hải, huyện Kim Sơn; mô hình sản xuất tinh bột nghệ xã Yên Sơn; mô hình tổng hợp sản xuất theo chuỗi (chăn nuôi dê, bò...) thôn 12, xã Đông Sơn; mô hình nuôi trồng thủy sản tại tổ dân phố Đàm Khánh Tây, phường Yên Bình, thành phố Tam Điệp; mô hình “Gian hàng giới thiệu và tiêu thụ hàng nông sản an toàn Sông Vân” tại phường Đông Thành; mô hình cửa hàng nông sản an toàn tại phường Tân Thành, phường Thanh Bình; mô hình phát triển rau ứng dụng công nghệ cao tại xã Ninh Phúc, phường Ninh Sơn...
Có thể khẳng định, việc tổ chức triển khai Cuộc vận động có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, xuyên suốt của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, sở, ngành, MTTQ các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội với các hình thức, hoạt động khá phong phú, sáng tạo, đạt hiệu quả thiết thực.
Cuộc vận động đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và hành động của người tiêu dùng Ninh Bình trong việc ưu tiên dùng hàng Việt; ổn định giá cả hàng hóa và tăng sức mua đối với hàng hóa Việt. Tỷ lệ người tiêu dùng quan tâm đến hàng Việt có xu hướng ngày càng tăng.
Trước khi có Cuộc vận động, có 30% người tiêu dùng quan tâm, lựa chọn hàng Việt khi mua sắm, đến nay đã có 80% người tiêu dùng lựa chọn hàng Việt đối với các mặt hàng giày dép, dệt may, nhất là hàng may mặc, đồ dùng trẻ em; trên 80% sử dụng hàng thực thẩm tươi sống…; hàng thực phẩm công nghệ, vật liệu xây dựng, trang trí nội thất hàng Việt Nam chiếm 80-85% và 100% người tiêu dùng sử dụng hàng thủy sản có nguồn gốc trong nước, trong tỉnh.