Theo Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được UBND tỉnh được phê duyệt tại Quyết định số 1099/QĐ-UBND ngày 29/8/2018, việc phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của từng huyện, thành phố, đồng thời phải phù hợp với qui hoạch đất, qui hoạch giao thông, qui hoạch đô thị, góp phần thực hiện qui hoạch phát triển kinh tế xã hội, qui hoạch ngành thương mại của tỉnh cũng như qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế vùng Đồng bằng sông Hồng. Để thực hiện được quan điểm phát triển này, quy hoạch đã đưa ra các định hướng phát triển, như định hướng phát triển chợ theo loại hình, định hướng phát triển cơ sở vật chất chợ, định hướng phát triển chợ theo thành phần kinh tế đầu tư, định hướng tổ chức quản lý chợ.
Quy hoạch cũng đưa ra hệ thống giải pháp và chính sách đồng bộ như giải pháp về thu hút vốn đầu tư, giải pháp về công tác tổ chức và quản lý chợ, giải pháp chuyển đổi mô hình khai thác quản lý chợ, giải pháp xây dựng chợ đảm bảo an toàn thực phẩm, giải pháp phát triển thương nhân kinh doanh trong chợ… Với các giải pháp này đến 2030 toàn tỉnh sẽ giữ nguyên 26 chợ; nâng cấp, cải tạo 66 chợ; xây mới trên nền cũ 6 chợ; di dời, xây mới 7 chợ; xóa bỏ khỏi qui hoạch 5 chợ; phát triển mới 35 chợ; xây mới và đưa vào hoạt động chợ đầu mối nông sản trên địa bàn toàn tỉnh; đảm bảo mỗi chợ phục vụ 7.300 dân, bán kính phục vụ không quá 1,7km/chợ, diện tích bình quân tối thiểu của hộ kinh doanh cố định tại chợ đến năm 2025 đạt 12 m2/hộ; 100% số chợ đạt chuẩn về môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm; số hộ kinh doanh cố định trung bình/chợ đến năm 2025 sẽ là 100-110 hộ/chợ; cải thiện điều kiện cơ sở vật chất chợ; hoàn thành mục tiêu về xây dựng nông thôn mới.
Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt là cơ sở pháp lý nhằm đưa hệ thống chợ phát triển đúng hướng và thống nhất trên địa bàn tỉnh về tiêu chuẩn kinh tế - kỹ thuật, vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm…và phát huy hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo tiền đề vững chắc để hệ thống chợ thực hiện tốt vai trò của mình đối với sản xuất, tiêu dùng và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, nhất là trong tiến trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Chi tiết Quy hoạch xem tại đây.