Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH may xuất khẩu Bảo Anh. Ảnh Minh Tuấn.
Thông tư gồm 5 Chương, 12 Điều và 1 Phụ lục kèm theo. Cụ thể: chương I quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và giải thích từ ngữ. Chương II quy định về đăng ký và thu hồi mã số chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập của EU, Na Uy, Thụy Sỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Chương III quy định về chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo GSP, các trường hợp được miễn chứng từ này, nội dung khai báo chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo GSP và kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa. Chương IV quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan. Chương V quy định về nguyên tắc áp dụng và điều khoản thi hành Thông tư.
Chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập của EU, Na Uy, Thụy Sỹ và Thổ Nhĩ Kỳ (gọi tắt là REX) được áp dụng kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019. Thông tư 38/2018/TT-BCT quy định về quy trình đăng ký và thu hồi mã số chứng nhận xuất xứ hàng hóa (mã số REX). Thương nhân nhận ủy thác thực hiện việc xuất khẩu hàng hóa cho thương nhân khác sang EU, Na Uy, Thụy Sỹ và Thổ Nhĩ Kỳ không được sử dụng mã số REX của mình để phát hành chứng từ chứng nhận xuất xứ theo GSP cho hàng hóa xuất khẩu của thương nhân ủy thác.
Đối với lô hàng xuất khẩu có tổng trị giá dưới 6.000 Euro tính theo giá xuất xưởng, thương nhân được phép chứng nhận xuất xứ cho lô hàng xuất khẩu đó mà không cần đăng ký mã số REX. Hàng hóa xuất khẩu của thương nhân chưa có mã số REX theo GSP vẫn được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu A trong thời gian chuyển tiếp theo quy định của Ủy ban châu Âu.
Thông tư số 38/2018/TT-BCT ngày 30 tháng 10 năm 2018 của Bộ Công Thương có hiệu lực kể từ ngày 14 tháng 12 năm 2018.
Xem chi tiết tại đây./.
Đỗ Tân - Trưởng phòng QLXNK