Tại Việt Nam, theo lộ trình dán nhãn năng lượng, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thiết bị gia dụng như thiết bị chiếu sáng, máy lạnh, tủ lạnh, máy giặt, nồi cơm điện, quạt điện… được khuyến khích dán nhãn năng lượng tự nguyện trước ngày 1-7-2011. Đến ngày 1-1-2013, việc dán nhãn năng lượng cho các sản phẩm này là bắt buộc. Các thiết bị văn phòng và thương mại như máy photocopy, bộ nguồn máy tính, tủ giữ lạnh thương mại và các thiết bị tiêu thụ năng lượng khác được khuyến khích dán nhãn năng lượng tự nguyện trước ngày 1-1-2014 và bắt buộc thực hiện kể từ ngày 1-1-2015.
Hiện tại, hầu hết các mặt hàng trong diện quy định đều đã được dán nhãn năng lượng, nhưng người tiêu dùng chưa để ý nhiều cũng như chưa thật hiểu rõ các thông tin ghi trên nhãn.
Hiện nay, tại Việt Nam có 2 loại nhãn năng lượng. Nhãn năng lượng xác nhận là nhãn thể hiện hình biểu tượng tiết kiệm năng lượng (còn gọi là biểu tượng ngôi sao năng lượng Việt), được dán cho các phương tiện, thiết bị lưu thông trên thị trường có mức hiệu suất năng lượng đạt hoặc vượt mức hiệu suất năng lượng cao do Bộ Công thương quy định trong từng thời kỳ.
Nhãn có hình tam giác với ba cạnh tròn, biểu tượng ngôi sao vàng trên nền tem xanh lá cây sẫm và viền xanh lá mạ; được in hoặc dán trực tiếp trên bề mặt bao bì, vỏ hộp và trên thân của sản phẩm với phiên bản một màu. Các sản phẩm được dán nhãn phải qua kiểm tra về chất lượng, độ bền, hiệu suất năng lượng theo TCVN 7896:2008.
Nhãn năng lượng so sánh là nhãn được dán cho các phương tiện, thiết bị nhằm cung cấp cho người tiêu dùng các thông tin về hiệu suất năng lượng của phương tiện, thiết bị đó so với các thiết bị cùng loại khác, từ đó giúp người tiêu dùng lựa chọn được phương tiện, thiết bị có mức tiêu thụ năng lượng tiết kiệm hơn. Trên biểu tượng nhãn này, mức hiệu suất năng lượng thể hiện qua 5 cấp độ tương ứng với 5 ngôi sao, nhãn 5 sao là nhãn có hiệu suất tốt nhất.
Nhãn so sánh năng lượng bao gồm các thông tin tối thiểu sau:
a) Mã chứng nhận: Là mã do Bộ Công Thương cấp nhằm phục vụ công tác quản lý, được Bộ Công Thương quy định cụ thể trong Giấy chứng nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng.
b) Tên/mã sản phẩm: Là tên hoặc mã sản phẩm doanh nghiệp đăng ký dán nhãn và được Bộ Công thương cấp trong Giấy chứng nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng
c) Hãng sản xuất: Là tên của tổ chức/doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đăng ký dán nhãn năng lượng.
d) Nhà nhập khẩu: Là tên của tổ chức/doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm đăng ký dán nhãn năng lượng (thông tin này chỉ áp dụng đối với nhà nhập khẩu).
e) Phần thể hiện chỉ số đánh giá mức tiết kiệm năng lượng (Cấp hiệu suất năng lượng): Lượng năng lượng tiêu thụ trong một giờ vận hành của các sản phẩm cùng chủng loại nhưng do các nhà sản xuất khác nhau chế tạo được chia thành 5 khoảng mức tương ứng với số sao trên nhãn (từ 1 sao đến 5 sao). Mức tiết kiệm năng lượng (cấp hiệu suất năng lượng) do Bộ Công Thương xác định qua việc đánh giá kết quả thử nghiệm chỉ tiêu hiệu suất năng lượng của sản phẩm và được thể hiện trong Giấy chứng nhận sản phẩm tiết kiệm năng lượng.
f) Mức tiêu thụ năng lượng của sản phẩm: trị số tiêu thụ năng lượng được tính bằng kWh/năm.
g) Các thông tin khác: được quy định chi tiết trong Quyết định cấp Giấy chứng nhận phù hợp với từng loại sản phẩm cụ thể.
Theo Báo Ninh Bình