Sở Công Thương triển khai một số nhiệm vụ liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, thông quan hàng hoá qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc

Thực hiện các Văn bản chỉ đạo của Chính phủ và UBND tỉnh, Sở Công Thương Ninh Bình yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp triển khai thực hiện một số nhiệm vụ:

1. Phòng Thương mại; Trung tâm Khuyến công, xúc tiến thương mại và Phát triển Cụm công nghiệp 
- Triển khai các Đề án xúc tiến thương mại hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ nông sản thông qua hoạt động kết nối cung cầu, tham gia hội chợ, hội thảo giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ nông sản trong nước và ngoài nước.
- Thực hiện có hiệu quả các dự án thuộc Đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; hỗ trợ kết nối đưa nông sản vào tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ nông sản đầu mối trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Liên minh HTX tỉnh tuyên truyền, phổ biến thông tin, khuyến cáo cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất kinh doanh các mặt hàng nông sản trên địa bàn biết về tình trạng xuất khẩu một số mặt hàng nông sản ùn tắc kéo dài tại các cửa khẩu biên giới các tỉnh phía Bắc để chủ động phương án sản xuất kinh doanh, hạn chế thiệt hại cho doanh nghiệp và người dân.

Sản xuất nước ép hoa quả xuất khẩu tại Công ty CP thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, thành phố Tam Điệp. Ảnh Duy Phương

2. Phòng Xuất nhập khẩu
- Thường xuyên cập nhật tình hình thông quan tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, trong đó đặc biệt lưu ý lịch nghỉ Tết nguyên đán của phía Trung Quốc kịp thời phổ biến để các doanh nghiệp chủ động kế hoạch sản xuất và xuất khẩu hàng hóa, tránh để phát sinh ùn ứ và các tác động bất lợi khác. 
- Phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương phổ biến thông tin thị trường, nhất là nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng nông sản, tạo điều kiện thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch mặt hàng nông sản sang các thị trường nước đã ký Hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương với Việt Nam.
- Triển khai có hiệu quả các Đề án phát triển thương mại điện tử, hỗ trợ các doanh nghiệp, Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh tiêu thụ nông sản thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử trong và ngoài nước. 
- Hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thương nhân trong việc giải quyết thủ tục hành chính cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) sang thị trường Trung Quốc.
3. Các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản
- Khẩn trương hoàn thành việc đăng ký và thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm đối với hàng xuất khẩu theo quy định của Tổng cục Hải quan Trung Quốc tại Lệnh số 248 ngày 12/04/2021 về “Quy định quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu vào Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” và Lệnh số 249 ngày 14/04/2021 về “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu vào Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.
- Tăng cường công tác giám sát chất lượng hàng hóa, tránh vi phạm các quy định của Trung Quốc về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, góp phần tạo thuận lợi, giảm thời gian thông quan hàng hóa. Đồng thời cần tiếp tục chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch.
- Chủ động đàm phán với bạn hàng Trung Quốc để chủ động thời gian giao hàng qua các cửa khẩu chính, cửa khẩu quốc tế nhằm giảm ùn ứ, hoặc nghiên cứu chuyển sang sử dụng phương thức vận tải khác như đường thủy, đường sắt.
Chi tiết Văn bản xem tại đây./.

Chu Minh Tuấn - Phòng Xuất nhập khẩu