Mua sắm Chính phủ (MSCP) được hiểu là khoản chi do một cơ quan nhà nước hoặc cơ quan do nhà nước ủy quyền thực hiện để nhằm mục đích của chính phủ, do vậy, MSCP là một thị trường mà người mua gắn liền với Nhà nước như cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước.
Cũng như Luật Đấu thầu, Chương MSCP của Hiệp định CPTPP đưa ra các quy tắc, quy trình trong quá trình lựa chọn nhà thầu, tuy nhiên, ở mức độ yêu cầu cao hơn về tính công bằng, công khai, minh bạch. Các nội dung chính của chương MSCP bao gồm: Không phân biệt đối xử; Không sử dụng các biện pháp ưu đãi hàng hóa hoặc nhà thầu trong nước; và Biểu cam kết mở cửa thị trường MSCP quyết định phạm vi mở cửa của từng nước.
Theo đó, Việt Nam cam kết thực hiện mở cửa và thực hiện theo các đối tượng như sau:
(i) Chủ đầu tư, hay chính là bên mời thầu, bao gồm các đơn vị được liệt kê trong bản chào là 21 cơ quan cấp Trung ương, không cam kết với các cơ quan thuộc Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Tòa án tối cao, Viện Kiểm sát tối cao. Đối với các Bộ Giao thông vận tải và Bộ Quốc phòng, Việt Nam chỉ cam kết mở cửa các gói mua sắm một số loại hàng hóa, dịch vụ nhất định.Việt Nam cũng cam kết mở cửa đấu thầu của 38 đơn vị sự nghiệp, bao gồm các bệnh viện thuộc Bộ Y tế, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học tự nhiên, Học viện Chính trị Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Thông tấn xã Việt Nam.
(ii) Ngưỡng mở cửa của gói thầu được quy định riêng cho từng loại chủ đầu tư, bao gồm ngưỡng cho gói thầu mua sắm hàng hóa và dịch vụ nói chung, và ngưỡng cho mua sắm dịch vụ xây dựng. Ví dụ đối với các cơ quan trung ương, sau 15 năm chuyển đổi thì ngưỡng mở cửa là 8.5 triệu SDR (tương đương khoảng 260 tỷ đồng. SDR là Quyền rút vốn đặc biệt) đối với gói xây lắp, sau 25 năm thì ngưỡng đối với gói hàng hóa, dịch vụ là 130.000 SDR (Tương đương 4 tỷ đồng).
Riêng đối với 34 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, ngưỡng mở cửa gói thầu hàng hoá được áp dụng đối với gói thầu mua thuốc cho từng bệnh viện mà có thời gian thực hiện hợp đồng từ một năm trở lên, hoặc gói thầu mua thuốc tập trung do Bộ Y tế thay mặt các bệnh viện tổ chức lựa chọn nhà thầu. Trường hợp gói thầu mua thuốc của bệnh viện có thời gian thực hiện hợp đồng dưới một năm, ngưỡng mở cửa đối với gói thầu này là 500.000 SDR. Trường hợp gói thầu chỉ bao gồm một loại thuốc duy nhất, ngưỡng mở cửa là 180.000 SDR.
(iii) Đối với hàng hóa, dịch vụ, lĩnh vực xây dựng cần mua thuộc phạm vi mở cửa, Việt Nam chỉ bảo lưu những nội dung cần thiết, ví dụ bảo lưu việc mua xăng dầu, một phần thị trường thuốc, lúa gạo, sách báo v.v… Phần dịch vụ chỉ liệt kê các loại dịch vụ mở cửa cho nhà thầu của các nước CPTPP tham gia đấu thầu. Việt Nam cũng cam kết mở cửa đấu thầu các gói thầu dược phẩm, tuy nhiên, lộ trình mở cửa khá dài, 15 năm sau khi hiệp định có hiệu lực, Việt Nam mới mở cửa đến 50% tổng giá trị hợp đồng đối với các gói thầu thuộc diện diều chỉnh. Các loại thuốc mà Việt Nam phải ưu tiên cho phép đấu thầu theo thứ tự: Thuốc generic thuộc Nhóm 1, thuốc generic thuộc Nhóm 2, thuốc generic thuộc Nhóm 3, thuốc generic thuộc Nhóm 4, thuốc generic thuộc Nhóm 5, cho tới khi mua đủ thuốc theo tỷ lệ phần trăm mở cửa cho năm đó.
(iv) Các thành viên cũng có thể áp dụng các loại trừ, ngoại lệ và các biện pháp trong thời kỳ chuyển đổi. Ví dụ như Việt Nam được loại trừ các gói thầu xây dựng nghĩa trang liệt sỹ, loại trừ mua xăng dầu ở Phần Hàng hóa, dịch vụ, loại trừ việc mua sắm ở trong nước để tiêu dùng ngoài lãnh thổ, loại trừ các gói thầu mua sắm dự trữ quốc gia, mua sắm nhằm phục vụ mục đích tăng cường sức khỏe, phúc lợi, sự phát triển kinh tế, xã hội của dân tộc thiểu số, gói thầu dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, các gói thầu vì lý do an ninh, quốc phòng.
Hiệp định CPTPP cho phép các nước đang phát triển được phép áp dụng một số biện pháp trong thời kỳ chuyển đổi. Ví dụ như trong vòng 05 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, Việt Nam sẽ không chịu sự điều chỉnh của cơ chế giải quyết tranh chấp liên quan tới các nghĩa vụ của mình theo Chương MSCP. Trong thời gian này, Việt Nam chỉ tham vấn với nước CPTPP có ý kiến quan ngại về việc thực thi nghĩa vụ của Việt Nam.
(v) Việt Nam được phép yêu cầu, xem xét, áp dụng hoặc thực hiện bất kỳ hình thức ưu đãi trong nước trong bất kỳ giai đoạn nào của quy trình lựa chọn nhà thầu trong 10 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, kể cả cơ chế ưu đãi về giá, ở mức tối đa 40% tổng giá hợp đồng các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của từng năm; tỷ lệ này giảm xuống mức tối đa 30% kể từ năm thứ 11 cho đến hết năm thứ 25. Biện pháp ưu đãi nội địa sẽ được loại bỏ từ năm thứ 26 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực đối với Việt Nam.