Giao kết hợp đồng từ xa qua phương tiện điện tử (website bán hàng trực tuyến)

Tôi ở phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình. Tôi đã đặt và thanh toán mua một chiếc điện thoại di động qua website bán hàng trực tuyến của một công ty tại Hà Nội, có văn phòng đại diện tại Ninh Bình. Trên website giới thiệu chiếc điện thoại có xuất xứ từ Hàn Quốc, bộ nhớ trong là 16Gb. Tuy nhiên, khi nhận được hàng, tôi phát hiện chiếc điện thoại có xuất xứ từ Malaysia, bộ nhớ trong là 8Gb. Tôi đã liên lạc với công ty để yêu cầu trả lại hàng và hoàn lại tiền nhưng công ty không đồng ý. Họ cho rằng tôi đã mua hàng và không có quyền trả lại. Như vậy có đúng không? Tôi phải làm gì để bảo đảm quyền lợi của mình? Mong nhận được sự hồi đáp của quý cơ quan. Xin chân thành cảm ơn. 

Trả lời:
    Với câu hỏi của bạn, Sở Công thương trả lời như sau: Ở trường hợp của bạn là giao kết hợp đồng từ xa qua phương tiện điện tử (website bán hàng trực tuyến).
    Căn cứ Khoản 3 và khoản 4 Điều 17 Nghị định số 99/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hợp đồng giao kết từ xa như sau: 
    - Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, trong trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp không đúng, không đầy đủ thông tin quy định tại khoản 1 Điều này thì trong thời hạn mười (10) ngày kể từ ngày giao kết hợp đồng người tiêu dùng có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng đã giao kết và thông báo cho tổ chức, cá nhân kinh doanh. Người tiêu dùng không phải trả bất kỳ chi phí nào liên quan đến việc chấm dứt đó và chỉ phải trả chi phí đối với phần hàng hóa, dịch vụ đã sử dụng.
    - Trường hợp người tiêu dùng đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng theo quy định tại khoản 3 Điều này, tổ chức; cá nhân kinh doanh phải trả lại tiền cho người tiêu dùng chậm nhất là ba mươi (30) ngày kể từ ngày người tiêu dùng tuyên bố đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng. Quá thời hạn này, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán. Việc hoàn trả được thực hiện theo phương thức mà người tiêu dùng đã thanh toán, trừ trường hợp người tiêu dùng đồng ý thanh toán bằng phương thức khác.
    Trường hợp việc chấm dứt hợp đồng gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì tổ chức, cá nhân kinh doanh phải bồi thường theo quy định của pháp luật dân sự.
    Phía công ty bán hàng đã cung cấp không đúng các thông tin về chất lượng, thông số kỹ thuật của hàng hóa đối với chiếc điện thoại di động mà bạn đã đặt mua. Như vậy, theo quy định pháp lý nói trên, trong khoảng thời gian 10 ngày kể từ ngày bạn xác nhận thực hiện mua bán với phía công ty, bạn có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng đã giao kết và thông báo cho tổ chức, cá nhân kinh doanh. Nói cách khác, bạn có quyền gửi yêu cầu (qua trang bán hàng trực tuyến, qua bưu điện, qua điện thoại hoặc email…) đề nghị công ty nhận lại sản phẩm và hoàn lại tiền hàng cho bạn do phía công ty đã thực hiện không đúng quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định số 99/2011/NĐ-CP. Để đảm bảo quyền lợi của mình, bạn cần lưu giữ cẩn thận và cung cấp đầy đủ các chứng từ giao dịch (khi được yêu cầu) như xác nhận đặt mua hàng, hóa đơn thanh toán, thông tin quảng cáo, giới thiệu về sản phẩm điện thoại thông minh của công ty bán hàng…
    Trường hợp phía công ty bán hàng trực tuyến không giải quyết được yêu cầu của bạn, bạn có thể gửi khiếu nại theo những chứng từ nói trên đến UBND thành phố Ninh Bình, Sở Công thương Ninh Bình hoặc Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nơi công ty đó có trụ sở hoặc nơi bạn sinh sống.
     Chi tiết cụ thể Nghị định số 99/2011/NĐ-CP của Chính phủ xem tại đây.
                                                                                                         Đinh Thị Thúy – Phòng Quản lý thương mại