UBND TỈNH NINH BÌNH
SỞ CÔNG THƯƠNG
Số: / KH - SCT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Ninh Bình, ngày tháng 12 năm 2014
KẾ HOẠCH
Phục vụ Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015
Thực hiện Chỉ thị số 31/CT-BCT ngày 08/12/2014 của Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2014 và dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015. Sở Công Thương xây dựng Kế hoạch phục vụ Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015 cụ thể như sau:
I. Mục đích, yêu cầu:
Chủ động triển khai các nhiệm vụ nhằm bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đứt hàng hoặc tồn đọng hàng hóa sau Tết;
Khuyến khích, động viên, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa Việt Nam có chất lượng và giá cả hợp lý, góp phần hưởng ứng mạnh mẽ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”;
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền; công tác điều hành, quản lý an toàn phòng chống cháy nổ; vệ sinh an toàn thực phẩm; kiểm tra, kiểm soát thị trường thực hiện bình ổn giá cả, thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đảm bảo cho nhân dân có Tết vui tươi, an toàn, tiết kiệm.
II. Nội dung:
1. Công tác chuẩn bị.
Nhằm chủ động theo dõi, dự báo nguồn cung, nhu cầu hàng hóa nhất là các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn, Sở Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị thường xuyên khảo sát, theo dõi diễn biến giá cả thị trường và làm việc với các doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực phân phối mặt hàng công nghệ phẩm để nắm tình hình hoạt động kinh doanh năm 2014 và kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ Tết năm 2015, đến nay 05 doanh nghiệp lớn đã có kế hoạch dự trữ 96,5 tỷ đồng các mặt hàng như bánh kẹo, nước mắm, mì tôm, dầu ăn, bia, nước ngọt... Bên cạnh đó, Sở đã ban hành văn bản số 1227/SCT-KHTH ngày 28/11/2014 để chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm và gian lận thương mại.
2. Dự báo nhu cầu.
Năm 2014, nền kinh tế nói chung và thị trường hàng hóa nói riêng đã có những chuyển biến tích cực, lạm phát được kiềm chế và kiểm soát tốt ở mức 1 con số (CPI 11 tháng cả nước tăng 2,08%, tỉnh Ninh Bình tăng 1,33%); tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tăng khá (11 tháng cả nước tăng 6,5%, tỉnh Ninh Bình tăng 10,4%). Theo quy luật thì những tháng giáp Tết Nguyên đán nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thiết yếu sẽ tăng cao, dự báo năm nay tăng khoảng 20% so với các tháng trong năm và tăng khoảng 10% so với Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014.
3. Dự kiến hàng hoá phục vụ Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015.
Giá trị hàng hóa tiêu thụ dịp Tết Nguyên đán trên địa bàn tỉnh ước khoảng 385 tỷ đồng, tăng khoảng 20% so với mức tăng bình quân các tháng trong năm và tăng khoảng 10% so với Tết Giáp Ngọ 2014; Các mặt hàng thiết yếu bao gồm: Rượu, bia các loại khoảng 2.600 ngàn chai; bánh, mứt, kẹo các loại khoảng 450 tấn; hạt hướng dương và hạt bí các loại khoảng 45 tấn; đường kính khoảng 120 tấn; dầu ăn khoảng 220 tấn; mỳ chính, bột ngọt khoảng 45 tấn; muối, bột canh, hạt nêm 120 tấn; chè các loại khoảng 20 tấn, thuốc lá khoảng 1.100 ngàn bao; gạo tẻ khoảng 2.000 tấn; gạo nếp khoảng 680 tấn; đậu xanh khoảng 110 tấn; thịt lợn khoảng 680 tấn; thịt bò khoảng 350 tấn; thịt gà khoảng 450 tấn, mặt hàng hoa cây cảnh, đào, quất dự kiến khoảng 7 tỷ đồng...
III. Phân công nhiệm vụ.
1. Phòng Công Thương, phòng Kinh tế các huyện, thành phố, thị xã.
Thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình thị trường ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Kịp thời báo cáo về Sở Công Thương để báo cáo UBND tỉnh có phương án điều tiết đảm bảo cân đối cung cầu, không để xảy ra tình trạng khan hàng, đứt hàng hoặc tăng giá đột biến ảnh hưởng đến quyền lợi và đời sống của nhân dân.
Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh trên địa bàn khảo sát chuyển sang kinh doanh theo mô hình cửa hàng tiện lợi nhằm tăng doanh thu, phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân, trước mắt mở rộng mô hình ở các trung tâm huyện, thị xã, thị trấn, thị tứ.
Tham mưu giúp UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức chu đáo, an toàn các Hội chợ Xuân, các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh trên địa bàn.
Phối hợp với các Đội Quản lý thị trường tổ chức kiểm tra các Ban quản lý chợ, tổ quản lý chợ thực hiện các quy định của nhà nước về quản lý chợ: Việc ký hợp đồng với thương nhân về thuê và sử dụng điểm kinh doanh; công tác bảo đảm phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, an toàn thực phẩm trong phạm vi chợ; việc xây dựng và thực hiện nội quy chợ theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 02/2003/NĐ-CP.
2. Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh.
2.1. Công ty TNHH một thành viên Điện lực Ninh Bình, Truyền tải điện Ninh Bình.
Xây dựng và triển khai Kế hoạch cung ứng điện, có phương án dự phòng để đảm bảo cung cấp điện an toàn và liên tục phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; không để xảy ra mất an toàn lưới điện cao áp trên địa bàn.
2.2. Chi nhánh xăng dầu Ninh Bình, Công ty cổ phần xăng dầu, dầu khí Ninh Bình và các thương nhân kinh doanh bán buôn, bán lẻ xăng dầu.
Chi nhánh xăng dầu Ninh Bình và Công ty cổ phần xăng dầu, dầu khí Ninh Bình và các thương nhân kinh doanh bán buôn xăng dầu cần chủ động xây dựng và triển khai Kế hoạch cung ứng xăng, dầu cho các cửa hàng trực thuộc, các đại lý đảm bảo không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đứt hàng trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và các đại lý trong hệ thống phân phối thực hiện tốt các quy định của Nhà nước về kinh doanh xăng dầu.
Các thương nhân kinh doanh bán lẻ xăng dầu cần có kế hoạch bố trí nhân viên bán hàng, đảm bảo cửa hàng xăng dầu mở cửa phục vụ nhân dân thường xuyên, liên tục. Tất cả các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh thực hiện việc đăng ký giờ bán hàng và bán hàng theo giờ đã đăng ký.
2.3. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và các Siêu thị.
Các doanh nghiệp sản xuất các loại hàng hoá, dịch vụ phục vụ Tết cần nghiên cứu kỹ nhu cầu thị trường, chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch để đảm bảo đủ nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán; thực hiện tiết kiệm chi phí sản xuất, kinh doanh, cam kết không tăng giá đột biến nhất là vào những ngày giáp Tết.
Đối với các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, các Siêu thị: Xây dựng và triển khai phương án dự trữ hàng hóa đảm bảo đủ nguồn hàng phục vụ Tết, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp sản xuất tăng cường tổ chức mạng lưới bán hàng tại các huyện, thị xã, thành phố, góp phần bình ổn giá cả, thị trường nhất là địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong tỉnh.
Đối với các Siêu thị, cần chuẩn bị đủ lượng hàng hoá đảm báo chất lượng, giá cả hợp lý, nhất là thực phẩm chế biến phục vụ tốt nhu cầu của khách hàng trên địa bàn thành phố Ninh Bình và các vùng lân cận, bù vào lượng thực phẩm có thể thiếu hụt trong dịp Tết.
3. Các phòng, đơn vị thuộc Sở.
3.1. Chi cục Quản lý thị trường.
Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ đã được giao tại văn bản số 1227/SCT-KHTH ngày 28/11/2014 của Sở Công Thương về việc tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại. Chú trọng kiểm tra, giám sát tình hình thị trường, giá cả, chất lượng sản phẩm, các quy định về an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng tăng giá trái quy định của pháp luật trên địa bàn tỉnh.
Chỉ đạo các đội Quản lý thị trường thường xuyên kết hợp công tác kiểm tra, kiểm soát với công tác theo dõi, nắm tình hình thị trường, giá cả và tuyên truyền, phổ biến các quy định của Nhà nước cho các thương nhân sản xuất, kinh doanh.
Xây dựng và triển khai Kế hoạch kiểm tra chuyên đề trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.
3.2. Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại.
Phối hợp với phòng Quản lý thương mại triển khai hoạt động xúc tiến thương mại năm 2015 nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tổ chức các chương trình bán hàng Tết, chương trình bán hàng bình ổn cho các đối tượng khó khăn, vùng sâu, vùng xa gắn với thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để cải tiến, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm hàng hóa, tăng năng lực cung ứng hàng hóa cho thị trường.
Phối hợp với Công ty tổ chức Hội chợ và các đơn vị có liên quan tổ chức tốt Hội chợ triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ và sản phẩm tiêu biểu tỉnh Ninh Bình năm 2015 tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có cơ hội giao lưu, mở rộng thị trường và người dân được mua sắm hàng hóa dịp Tết Nguyên đán.
3.3. Phòng Quản lý thương mại.
Phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường theo dõi sát diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu, đánh giá cung cầu các mặt hàng nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, vật tư nông nghiệp thiết yếu để đề xuất với UBND tỉnh các biện pháp bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống, không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu.
Phối hợp với các đơn vị có liên quan chỉ đạo, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, LPG trên địa bàn, bảo đảm đủ nguồn hàng, tổ chức tốt việc cung ứng xăng dầu, LPG đáp ứng nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán; Yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đăng ký giờ bán hàng và thực hiện bán hàng theo đúng giờ đã đăng ký.
Triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ lãi suất để dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông trong và ngoài tỉnh để thông tin đầy đủ, kịp thời về Chương trình bình ổn thị trường.
Tổ chức kiểm tra việc chuẩn bị hàng Tết của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa phục vụ Tết; đôn đốc, động viên, khuyến khích tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phân phối lớn, các Siêu thị lớn như Big C, Vinmart tổ chức các chương trình bán hàng Tết và tổ chức điểm bán hàng lưu động phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân tại các địa phương, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn.
Là đầu mối tổng hợp báo cáo tình hình trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 theo chỉ đạo của Bộ Công Thương và UBND tỉnh.
3.4. Phòng Kỹ thuật an toàn và môi trường.
Triển khai công tác đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cung ứng và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; cơ sở triết nạp, kinh doanh xăng dầu, gas; các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh.
3.5. Phòng Quản lý điện năng.
Kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc cung ứng điện, yêu cầu Truyền tải điện Ninh Bình, Công ty TNHH một thành viên Điện lực Ninh Bình gửi phương án và tổ chức thực hiện để đảm bảo cung cấp điện an toàn và liên tục phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
3.6. Phòng Quản lý công nghiệp.
Phối hợp với các đơn vị có liên quan hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để cải tiến, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm hàng hóa, tăng năng lực cung ứng hàng hóa cho thị trường.
3.7. Các phòng, đơn vị thuộc Sở xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ những tháng cuối năm, đồng thời thực hiện tốt Kế hoạch phục vụ Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015.
IV. Tổ chức thực hiện.
1. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc, Trưởng các phòng thuộc Sở, Giám đốc các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phòng Công Thương/Kinh tế các huyện, thành phố, thị xã căn cứ nhiệm vụ được phân công tại Kế hoạch này để triển khai thực hiện.
2. Chế độ báo cáo.
- Đợt 1: Báo cáo tình hình triển khai các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này. Thời gian trước ngày 15/01/1015.
- Đợt 2: Báo cáo tình hình thị trường, cung cầu, giá cả hàng hóa. Thời gian trước ngày 07/02/2015.
- Đợt 3: Báo cáo Kết quả thực hiện Kế hoạch này. Thời gian trước ngày 20/02/2015.
Báo cáo của các đơn vị gửi bằng văn bản và email về Sở Công Thương theo địa chỉ: Sở Công Thương Ninh Bình, phố 10, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình; email: thangctnb@gmail.com; fax: 0303.871048./.
Nơi nhận:
- Bộ Công Thương;
- UBND tỉnh; (Để báo cáo)
- UBND các huyện, thị xã, thành phố; (để phối hợp)
- Các phòng Công thương/kinh tế;
- Các đ/c Lãnh đạo Sở;
- Các phòng, đơn vị trực thuộc;
- Các doanh nghiệp SX-KD;
- Lưu VT, QLTM.
GIÁM ĐỐC
Đã ký
Phạm Thị Hồng