Một số lưu ý khi doanh nghiệp đăng ký, thông báo website thương mại điện tử với Bộ Công Thương

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp chưa thực sự hiểu rõ và có nhận thức rõ ràng về việc phải làm thông báo, đăng ký website/ ứng dụng thương mại điện tử bán hàng với Bộ Công Thương mặc dù từ lâu thủ tục này đã được quy định rõ trong các văn bản pháp luật như Nghị định số 52/2013/NĐ-CP, thông tư số 47/2014/TT-BCT, Nghị định số 185/2 013/ND-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, yêu cầu tất cả các website/ứng dụng thương mại điện tử bán hàng đều phải thông báo hoặc đăng ký với Bộ Công Thương.

Theo Nghị định 52/2013/NĐ-CP, các website cần phải thông báo đăng ký với Bộ Công Thương bao gồm:

1.  Website thương mại điện tử bán hàng là website thương mại điện tử do các thương nhân, tổ chức, cá nhân thiết lập để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình

2. Website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử là website thương mại điện tử do thương nhân, tổ chức thiết lập để cung cấp môi trường cho các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động thương mại. Website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử bao gồm các loại sau:

a) Sàn giao dịch thương mại điện tử;

b) Website đấu giá trực tuyến;

c) Website khuyến mại trực tuyến;

d) Các loại website khác do Bộ Công Thương quy định.

3. Với các ứng dụng cài đặt trên thiết bị điện tử có nối mạng cho phép người dùng truy cập vào cơ sở dữ liệu của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác để mua bán hàng hóa, cung ứng hoặc sử dụng dịch vụ, tùy theo tính năng của ứng dụng đó mà thương nhân, tổ chức phải tuân thủ các quy định về website thương mại điện tử bán hàng hoặc website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Nghị định này.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của Thương mại điện tử trong những năm vừa qua, số lượng website, ứng dụng thương mại điện tử đã được Bộ Công Thương xác nhận thông báo, đăng ký cũng tăng lên đáng kể từ năm 2019 đến 2021. Theo Sách trắng thương mại điện tử mới đây nhất, số website/ứng dụng thương mại điện tử đã được xác nhận thông báo tăng từ 29.370 hồ sơ lên 43.411 hồ sơ, số website/ứng dụng đã được xác nhận đăng ký tăng từ 1.191 lên 1.448 hồ sơ.

Bên cạnh các hồ sơ hợp lệ được Bộ Công Thương xét duyệt, số lượng các website/ứng dụng thương mại điện tử bán hàng chưa đăng ký, thông báo vẫn chiếm tỷ trọng lớn, một phần là do doanh nghiệp chưa hiểu rõ các quy định, chính sách về thương mại điện tử, hoặc chưa được tư vấn tìm hiểu các thủ tục đăng ký, khai báo rõ ràng.

Lợi ích từ việc hoàn thành thủ tục đăng ký, thông báo với Bộ Công Thương

Để có dấu xác thực từ Bộ Công Thương, doanh nghiệp phải trải qua các khâu kiểm duyệt thông tin từ đó là bước đầu củng cố lòng tin của khách hàng, giúp khách hàng an tâm hơn khi ra quyết định mua hàng, sử dụng sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp. Doanh nghiệp khi nhận được xác nhận của Bộ Công Thương là điều cần thiết giúp nâng cao uy tín của doanh nghiệp, khẳng định thương hiệu tên tuổi của mình trên thị trường.

Các Website/ ứng dụng thương mại điện tử sau khi hoàn thành thủ tục thông báo/ đăng ký sẽ được cung cấp logo gắn lên website của mình, logo này dẫn tới đường link trên trang của Bộ Công Thương xác nhận website đã đăng ký/ thông báo thành công.

Bên cạnh đó, do việc làm thông báo/ đăng ký website/ ứng dụng thương mại điện tử bán hàng với Bộ Công Thương là yêu cầu bắt buộc đã được quy định tại văn bản pháp luật, do vậy với những doanh nghiệp tuân thủ đúng sẽ tránh phài chịu phạt không đáng có. Doanh nghiệp cá nhân có thể bị phạt tiền từ 10.000.000đ đến 20.000.000đ  nếu không thông báo website/ứng dụng thương mại điện tử bán hàng; gian dối hoặc cung cấp thông tin sai sự thật khi thông báo website; phạt tiền từ 20.000.000đ đến 30.000.000đ nếu doanh nghiệp không đăng ký website/ứng dụng thương mại điện tử, gian dối hoặc cung cấp thông tin sai sự thật khi đăng ký website/ ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử…(trích tại điều 62 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP)

Do vậy, có thể thấy, việc thông báo, đăng ký website/ứng dụng thương mại điện tử bán hàng với Bộ Công Thương là điều kiện cần thiết đối với doanh nghiệp trong việc tiếp cận và mở rộng thị trường trên môi trường số, tránh những hậu quả pháp lý không đáng có, đồng thời nâng cao uy tín của doanh nghiệp, xây dựng lòng tin của khách hàng.

Ngoài ra, doanh nghiệp có thể thấy việc các website/ứng dụng thương mại điện tử bán hàng khi tuân thủ đúng quy định của pháp luật sẽ nhận được quyền và lợi ích của mình khi thực hiện giao dịch trực tuyến được đảm bảo bởi pháp luật, tạo dựng được niềm tin cho khách hàng khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ của mình.