Quy mô kinh tế số của Việt Nam đạt 21 tỉ USD năm 2021

Theo báo cáo “Nền Kinh tế số Đông Nam Á – Tiếng gầm Thập kỷ 20: Thập kỷ Kỹ thuật số Đông Nam Á” vừa công bố của Google, Temasel và Bain&Company, nền kinh tế số của Việt Nam năm nay dự kiến đạt 21 tỉ USD tổng giá trị hàng hoá.

Báo cáo này cho biết nền kinh tế kỹ thuật số tại các quốc gia ASEAN đang trên đà phát triển, có thể đạt tới 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030 với hàng triệu người dùng Internet mới, giúp thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp trực tuyến trong các lĩnh vực như thương mại điện tử, tài chính ảo,...

Theo đó, trong năm nay, khu vực gồm 10 quốc gia Đông Nam Á này có thêm khoảng 40 triệu người dùng Internet, đưa tổng số người sử dụng Internet lên đến 75% dân số ở khu vực. Kết quả khảo sát cho thấy, cứ 10 người thì có 8 người dùng mới từng mua sắm trực tuyến ít nhất một lần. Tổng cộng, ASEAN hiện đang có khoảng 350 triệu người tiêu dùng trên Internet.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng năm 2021, nền kinh tế số ASEAN đạt quy mô 174 tỉ USD, tăng 49% so với 2020. Dự báo đến năm 2025 nền kinh tế số sẽ đạt quy mô 363 tỉ USD, gấp đôi so với năm nay, vượt xa dự báo trước đó là 300 tỷ USD.

Trong đó, trong năm 2021, nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng 31% lên 21 tỉ USD. Sự gia tăng chủ yếu là nhờ vào vào sức tăng trưởng 53% của ngành thương mại điện tử cho dù thị trường du lịch trực tuyến bị thu hẹp do các quy định hạn chế di chuyển.

Thương mại điện tử đóng góp lớn trong sự tăng trưởng của kinh tế số. Năm 2020, lĩnh vực này chiếm 74 tỉ USD trong tổng giá trị hàng hoá, dự kiến sẽ tăng lên 120 tỉ USD vào năm nay và 234 tỉ USD vào năm 2025.

Bên cạnh đó, lĩnh vực giao đồ ăn cũng đạt 12 tỉ USD trong năm nay, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước và là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng nhanh. Theo thống kế, có tới 71% người dùng Internet đã đặt đồ ăn trực tuyến ít nhất một lần.

Thanh toán kỹ thuật số và ví điện tử cũng là lĩnh vực tăng trưởng nhanh cùng với phát triển của thương mại điện tử - lĩnh vực yêu cầu thanh toán trực tuyến. Thanh toán kỹ thuật số đã tăng 9% theo tổng giá trị giao dịch, từ 646 tỉ USD năm 2020 lên 707 tỉ USD trong năm nay và dự kiến sẽ đạt được 1,17 nghìn tỉ USD vào năm 2025.

Về phía Việt Nam, báo cáo cũng cho biết với tổng giá trị hàng hóa (GMV) đạt 21 tỷ USD, tăng 31% so với năm 2020? nền kinh tế số Việt Nam đang tương đương Malaysia và đứng sau Indonesia (70 tỷ USD) và Thái Lan (30 tỷ USD). Dự kiến vào năm 2025, quy mô nền kinh tế số sẽ đạt 57 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) đạt 29%. Vào thời điểm đó, nền kinh tế số Việt Nam sẽ vượt qua Thái Lan (quy mô dự kiến 56 tỷ USD), và đã bỏ xa Malaysia (35 tỷ USD). Trong khi đó, Indonesia vẫn dẫn đầu với 146 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế của Việt Nam chủ yếu nhờ vào tăng trưởng thương mại điện tử với tốc độ tăng trưởng 53% trong năm 2021, dù thị trường du lịch trực tuyến đang bị thu hẹp do các quy định hạn chế di chuyển.

Việt Nam đã có đến 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới kể từ khi đại dịch bắt đầu (tính đến nửa đầu năm 2021), với 55% trong số họ đến từ các khu vực không thuộc cấp thành thị. Mức độ duy trì cao khi tiêu dùng kỹ thuật số đã trở thành một lối sống.

Theo đó, 97% người tiêu dùng mới vẫn đang sử dụng dịch vụ và 99% có ý định tiếp tục sử dụng trong tương lai. Những người đã dùng các dịch vụ kỹ thuật số trước đại dịch đã sử dụng thêm trung bình 4 dịch vụ từ khi đại dịch xảy ra, và mức độ hài lòng của hầu hết người dùng với các dịch vụ này đạt 83%.

Tại Việt Nam, 30% nhà bán hàng kỹ thuật số tin rằng họ không thể vượt qua đại dịch nếu không có các nền tảng kỹ thuật số. 99% hiện chấp nhận hình thức thanh toán trực tuyến. Nhiều đơn vị đang dùng các công cụ kỹ thuật số để thu hút khách hàng và 72% dự kiến tăng mức sử dụng các công cụ tiếp thị này trong 5 năm tới.

Trong nửa đầu năm 2021, vốn đầu tư vào các doanh nghiệp kinh tế số Việt Nam tiếp tục tăng mạnh. Báo cáo đánh giá, Việt Nam tiếp tục là trung tâm sáng tạo hấp dẫn với số lượng vườn ươm doanh nghiệp, chương trình phát triển và phòng nghiên cứu nhiều hơn so với đa số các nước trong khu vực.

Tuy thị trường có tính biến động, nguồn vốn toàn cầu vẫn chảy vào Việt Nam nhờ các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng vững chắc và hệ sinh thái kỹ thuật số đang phát triển. Vốn đầu tư tăng trưởng mạnh trong đại dịch giữ ở mức cao như thương mại điện tử, công nghệ tài chính, công nghệ y tế và công nghệ giáo dục.

Theo Báo điện tử Công Thương