Mục tiêu lớn của Đề án quan trọng này là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan xúc tiến thương mại thuộc Chính phủ, tổ chức hỗ trợ xúc tiến thương mại và doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên cơ sở hình thành, phát triển Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số.
Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số gồm: Hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành xúc tiến thương mại bao gồm mạng lưới xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế; doanh nghiệp xúc tiến thương mại; ngành hàng, thị trường và các cơ sở dữ liệu khác phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại.
Cùng đó nâng cao nhận thức và năng lực về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy phát triển ngoại thương và thương mại trong nước, góp phần tái cơ cấu ngành Công Thương.
Nhiều mục tiêu cụ thể được nêu trong Đề án trong đó đến năm 2025 có 100% các tổ chức xúc tiến thương mại và trên 200.000 doanh nghiệp được cấp tài khoản trên Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số và 50% trong số này có phát sinh giao dịch và chia sẻ thông tin.
Có cơ sở dữ liệu chuyên ngành xúc tiến thương mại và 10 ngành hàng xuất khẩu chủ lực được hình thành, kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu của 10 thị trường xuất khẩu trọng điểm. 25% các dịch vụ kết nối thị trường được tổ chức trên nền tảng kết nối, hỗ trợ 100.000 lượt doanh nghiệp. 25% số lượng hội chợ, triển lãm được tổ chức trên môi trường số
Tại Quyết định phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì tổ chức, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện Đề án.
Thời gian qua, hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực xúc tiến thương mại đã luôn được Bộ Công Thương đặc biệt quan tâm bằng nhiều hình thức linh hoạt, có hiệu quả, góp phẩn ổn định và mở rộng không chỉ thị trường trong nước mà còn cả thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các thị trường trọng điểm.
Đặc biệt từ khi có đại dịch Covid-19, việc số hoá các hoạt động xúc tiến thương mại càng được Bộ Công Thương chú trọng, trong đó tập trung kết nối doanh nghiệp trong nước với các nhà phân phối lớn của khu vực và thế giới, tăng cường quảng bá, giới thiệu hàng Việt Nam, đặc biệt là nông sản tới vụ trên môi trường thương mại điện tử.
Thống kê sơ bộ cho thấy đã có hàng nghìn hoạt động như vậy đã được tổ chức, góp phần ổn định chuỗi cung ứng, cũng như ổn định kim ngạch xuất khẩu hàng hoá và góp phần đưa doanh nghiệp đến gần hơn với các thị trường có nhu cầu mà Việt Nam có ưu thế cung cấp.
Mới đây nhất, Bộ Công Thương đã triển khai hoạt động Chuỗi sự kiện tư vấn, cung cấp thông tin cho địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam về thị trường xuất nhập khẩu với một loạt các phiên tư vấn trực tuyến tới các tổ chức và doanh nghiệp.
Đây là hoạt động quy mô sẽ được tổ chức thường niên hướng tới mục tiêu thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, góp phần thiết thực giúp doanh nghiệp tháo gỡ các rào cản thông tin thị trường, kịp thời cập nhật những diễn biến, chính sách và quy định xuất-nhập khẩu mới trên thị trường quốc tế.
Theo báo điện tử: https://congthuong.vn/