Triển khai Kế hoạch hưởng ứng Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2023

Thực hiện Kế hoạch số 07/KH-BCĐ ngày 30 tháng 01 năm 2023 của Ban chỉ đạo Tháng hành động về ATVSLĐ tỉnh Ninh Bình và Hướng dẫn tổ chức thực hiện các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2023 của Bộ Công Thương. Tháng hành động về ATVSLĐ năm nay được tổ chức từ ngày 01 đến ngày 31 tháng 5 với chủ đề: “Tăng cường xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc”.

Mục đích của Tháng hành động vì ATVSLĐ năm 2023 nhằm thúc đẩy các đơn vị, doanh nghiệp, người sử dụng lao động, người lao động trong ngành Công Thương quan tâm, thực thi nghiêm pháp luật về ATVSLĐ; đồng thời đẩy mạnh các chương trình hành động cụ thể về cải thiện điều kiện lao động, rà soát, xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, đánh giá nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ; chăm sóc, nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2023 phải được tổ chức một cách thiết thực, hiệu quả, có trọng điểm hướng đến doanh nghiệp và người lao động, tạo sự chuyển biến tích cực trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLĐ.

Gia công, sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty TNHH may Phoenix,

 KCN Tam Điệp, thành phố Tam Điệp. Ảnh: Duy Phương

Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2023,  Sở Công Thương Ninh Bình hướng dẫn các đơn vị sản xuất công nghiệp và kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh triển khai Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2023. Theo đó, các đơn vị lập kế hoạch, nội dung, kinh phí tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2023 phù hợp với đặc thù sản xuất, kinh doanh của đơn vị đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm và tập trung vào một số nội dung cụ thể như sau:
- Trước Tháng hành động, các cơ sở ngành Công Thương thực hiện lập kế hoạch, nội dung, kinh phí tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ phù hợp với đặc thù sản xuất, kinh doanh của đơn vị đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm.
- Rà soát xây dựng, bổ sung các quy trình, biện pháp làm việc an toàn, phòng chống cháy nổ tại các bộ phận, phân xưởng; tự kiểm tra, rà soát, đánh giá rủi ro về an toàn đối với các máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ.
- Xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể về ATVSLĐ - PCCN để phòng ngừa, kiểm soát các nguy cơ rủi ro, tai nạn đảm bảo ATVSLĐ - PCCN tại nơi làm việc. 
- Tổ chức thông tin tuyên truyền, phát động các phong trào thực hiện tốt công tác ATVSLĐ - PCCN tại đơn vị. Tăng cường các hoạt động truyền thông, ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội, truyền thanh nội bộ để thông tin, tuyên truyền các chế độ, chính sách, các nguyên nhân, nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ.
- Thực hiện công tác huấn luyện ATVSLĐ - PCCN theo quy định, huấn luyện kỹ năng đánh giá, nhận diện các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ. Tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề về công tác ATVSLĐ - PCCN.
- Tổ chức các hoạt động thực hành, thao diễn xử lý sự cố kỹ thuật về an toàn; thực hành sơ cấp cứu. 
- Thực hiện công tác kiểm tra, tự kiểm tra nhằm phát hiện và kịp thời khắc phục những nguy cơ mất an toàn, xử lý các vi phạm về ATVSLĐ - PCCN. Tổ chức các hoạt động có sự tham gia phối hợp của cơ quan quản lý nhà nước; chuyên gia, người sử dụng lao động, người lao động, an toàn vệ sinh viên như: tọa đàm, đối thoại, hội thi, chia sẻ kinh nghiệm, mô hình về ATVSLĐ.
- Tổ chức biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tốt và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
- Thực hiện nghiêm túc việc khai báo, thống kê, báo cáo tai nạn lao động theo quy định pháp luật hiện hành.
- Tổ chức thăm hỏi, động viên các nạn nhân và gia đình, nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
- Quan tâm, chú trọng đầu tư máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc, phòng ngừa TNLĐ, BNN; đẩy mạnh các hoạt động đối thoại, triển khai các chương trình hành động cụ thể về cải thiện điều kiện làm việc, giảm căng thẳng tại nơi làm việc, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, môi trường làm việc an toàn, thân thiện.
-Thực hiện nghiêm túc việc khai báo, thống kê báo cáo tai nạn lao động theo quy định của pháp luật hiện hành và tổ chức biểu dương khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tốt, xử lý nghiêm các trường hợp có vi phạm.
Sau khi kết thúc Tháng hành động về ATVSLĐ, các đơn vị cần tiếp tục duy trì các hoạt động về ATVSLĐ theo quy định của pháp luật; tiếp tục tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền, huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động, nâng cao trách nhiệm thực hiện công tác ATVSLĐ nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người lao động trong quá trình lao động sản xuất./.

Tiến Thành - Phòng KTAT