Đẩy mạnh ứng dụng Thương mại điện tử trong xây dựng chuỗi giá trị nông sản tỉnh Ninh Bình

Ứng dụng thương mại điện tử để hỗ trợ, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản đang trở thành một xu thế kinh doanh tất yếu trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Với lợi thế là có tốc độ nhanh, phạm vi toàn cầu, nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh mặt hàng nông sản của các doanh nghiệp, hộ sản xuất như: quảng bá thương hiệu, sản phẩm ra thị trường trong nước cũng như thị trường quốc tế được thực hiện bằng TMĐT với chi phí thấp hơn nhiều so với thương mại truyền thống.  

Ảnh minh họa.

 

Ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) là xu hướng tất yếu trên quy mô toàn cầu. Là quốc gia có tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu đạt trên 200 tỷ USD, và thị trường trên 90 triệu dân thì các doanh nghiệp Việt Nam không thể bỏ qua con đường này. Các khách hàng tại những thị trường nhập khẩu chính từ Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... đều có tỷ lệ sử dụng thương mại điện tử rất cao. Tại Việt Nam, theo số liệu của Bộ Công Thương, việc ứng dụng TMĐT đã mang lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp nhất là trong việc tiếp cận với khách hàng cũng như đối với các hoạt động quản lý, bán hàng. Tuy nhiên việc mua bán qua các website TMĐT chỉ phổ biến đối với một số loại hàng hóa, dịch vụ như vé máy bay, đồ điện tử, tour du lịch,... mà còn khá ít đối với mặt hàng nông sản. Trong lĩnh vực nông nghiệp, hiện nay các kênh thông tin từ nhà sản xuất đến kênh phân phối và người tiêu dùng còn thiếu và yếu, nhất là đối với các hộ sản xuất, các HTX là những đối tượng không có được các kiến thức cần thiết để tìm cho mình các kênh phân phối hiệu quả. Chính vì vậy, ứng dụng TMĐT trong xây dựng chuỗi giá trị cho nông sản có vai trò hết sức quan trọng, tạo ra một phương thức kinh doanh mới, hiện đại và hiệu quả. 

 

Xác định được tầm quan trọng của TMĐT trong xây dựng chuỗi giá trị có các sản phẩm trên địa bàn tỉnh, những năm qua, Sở Công Thương Ninh Bình đã triển khai hỗ trợ 51 doanh nghiệp xây dựng website TMĐT bán hàng, trong đó có 05 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản. 5 năm qua, Sở đã phối hợp với Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức 10 hội nghị, hội thảo phổ biến các quy định của pháp luật về kinh doanh trên môi trường mạng; triển khai hỗ trợ thực hiện giải pháp marketing online, thúc đẩy quảng bá sản phẩm và thương hiệu đối với các mặt hàng nông sản qua các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber…. Đồng thời triển khai hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến nông sản tham gia các trang bán hàng toàn cầu như amzon.com, alibaba.com; giới thiệu các sản phẩm rau quả chế biến của Công ty Cổ phần Xuất khẩu Đồng Giao, của Công ty cổ phần chế biến nông sản Việt Xanh, Công ty cổ phần thực phẩm Á Châu; các sản phẩm như thịt dê, cơm cháy, nem Yên Mạc, mắm tép Gia Viễn,… trên các website của chuyên ngành của ngành Công Thương như ww.congthuong.ninhbinh.gov.vn; www.xnkninhbinh.com; www.vnex.com.vn...; tổng hợp xây dựng cơ sở dữ liệu trực tuyến về mặt hàng xuất khẩu của tỉnh, trong đó các mặt hàng nông sản phục vụ Đề án thúc đẩy xuất khẩu trực tiếp vào kênh phân phối nước ngoài của Bộ Công Thương. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có gần 1.000 website thương mại điện tử đang hoạt động, trong đó có hàng trăm website của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản, các HTX, các nhà phân phối và cả các hộ nông dân. TMĐT trên địa bàn tỉnh đã bước đầu phát triển với cả hai hình thức bán lẻ trực tuyến B2C (Business – To – Customer) và bán qua các kênh phân phối B2B ( Business To Business) góp phần quan trọng trong xây dựng chuỗi giá trị cho nông sản Ninh Bình. 

 

Thương hiệu “Gạo AIQ” là thương hiệu gạo của Công ty cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng con nuôi Ninh Bình, doanh nghiệp nông nghiệp hàng đầu Việt Nam hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất kinh doanh giống cây trồng và sản xuất chế biến các loại gạo đặc sản chất lượng cao.

Ảnh: Minh Tuấn

Với lợi thế là có tốc độ nhanh, phạm vi toàn cầu, nhiều hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, hộ sản xuất như: quảng bá thương hiệu, sản phẩm ra thị trường trong nước cũng như thị trường quốc tế được thực hiện bằng TMĐT với chi phí thấp hơn nhiều so với thương mại truyền thống. Với trang website TMĐT, các doanh nghiệp, hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh có thể đưa thông tin quảng cáo đến hàng trăm triệu người xem ở mọi nơi trên thế giới 24 giờ mỗi ngày, 7 ngày mỗi tuần liên tục đến khách hàng tiềm năng ở khắp mọi nơi. Bên cạnh đó, TMĐT cũng giúp các doanh nghiệp, HTX, các hộ sản xuất giảm chi phí hoạt động như không phải tốn kém nhiều chi phí cho việc thuê cửa hàng, thuê mặt bằng và trả lương cho đội ngũ nhân viên bán hàng. Thông qua trang website TMĐT, các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh có thể tiến hành giao dịch điện tử, ký kết hợp đồng điện tử đồng thời với nhiều khách hàng mà không phải bỏ quá nhiều thời gian và chi phí đi đàm phán, cũng như giảm bớt các khâu phân phối trung gian. Bên cạnh đó, với việc thường xuyên có được thông tin cập nhật về thị hiếu của khách hàng, sản phẩm của đối thủ cạnh tranh… sẽ giúp các doanh nghiệp, HTX hộ sản xuất đổi mới công nghệ, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng của hàng hóa và dịch vụ. 

 

Ứng dụng thương mại điện tử để hỗ trợ, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản đang thực sự trở thành một xu thế kinh doanh tất yếu trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh việc ứng dụng TMĐT trong xây dựng chuỗi giá trị còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp chế biến nông sản, các HTX có quy mô nhỏ và vừa, nguồn nhân lực chưa đủ mạnh để trang bị hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu thương mại điện tử. Bên cạnh đó, nhận thức của các doanh nghiệp, HTX và các hộ nông dân về lợi ích do thương mại điện tử đem lại còn chưa rõ ràng. Độ tin cậy về tính pháp lý của các giao dịch điện tử chưa cao, dẫn tới người tiêu dùng còn bị ảnh hưởng bởi tâm lý, thói quen mua hàng truyền thống… Để đẩy mạnh ứng dụng TMĐT trong xây dựng chuỗi giá trị nông sản tỉnh Ninh Bình trong thời gian tới cần triển khai đồng bộ một số giải pháp sau:

 

Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về lợi ích của TMĐT đến cộng đồng doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh, nhất là các doanh nghiệp, HTX và hộ nông dân trực tiếp sản xuất, chế biến, phân phối nông sản. Tổ chức các chương trình đào tạo kiến thức, kỹ năng ứng dụng, giao dịch TMĐT, ứng dụng thanh toán điện tử, chữ ký điện tử, các biện pháp an toàn thông tin và vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong phân phối nông sản của tỉnh. 

 

Hai là, phối hợp chặt chẽ với Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) để quản trị cơ sở dữ liệu của tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nghĩa vụ đăng ký/thông báo theo quy định tại địa chỉ http://online.gov.vn, tiến tới đánh giá mức độ uy tín của các trang website TMĐT nhằm bảo vệ người sản xuất và người tiêu dùng khi giao dịch sản phẩm trên môi trường mạng. Đồng thời vận hành một cách có hiệu quả website http://kenhphanphoinb.com (Bản đồ mua sắm tỉnh Ninh Bình) để cung cấp giải pháp tìm kiếm trực tuyến các địa điểm sản xuất, phân phối nông sản sạch trên địa bàn tỉnh.

 

Ba là, tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX xây dựng website TMĐT phù hợp với mô hình, sản phẩm của từng đơn vị, trong đó cần quan tâm đến việc giới thiệu các yếu tố đặc thù của mặt hàng nông sản như quy trình sản xuất, vệ sinh an toàn thực phẩm, vấn đề truy xuất nguồn gốc… trên môi trường mạng. Đồng thời tư vấn cho doanh nghiệp triển khai quy trình kinh doanh trực tiếp từ nhà sản xuất đến người phân phối và khách hàng thông qua mạng Internet (mô hình B2C và B2B); hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn tham gia sàn giao dịch TMĐT uy tín nhằm quảng bá thương hiệu và sản phẩm. 

 

Bốn là, cần triển khai kết nối chương trình mỗi xã một sản phẩm với thương mại điện tử để xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Đồng thời đẩy mạnh hỗ trợ các đơn vị doanh nghiệp, HTX và các nông hộ sản xuất lớn thiết kế, ứng dụng bao bì, tem nhãn đảm bảo truy xuất nguồn gốc, chống hàng giả… Đây cần được xem là một giải pháp hữu hiệu nhằm đưa các sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng giúp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm./.
 

Hoàng Trung Kiên – Giám đốc Sở Công thương