Mô hình chợ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Cụ thể hóa tiêu chí số 7, ngày 8/12/2016, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 4800/QĐ-BCT hướng dẫn thực hiện và xét công nhận Tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 (thay thế Quyết định số 12151/QĐ-BCT ngày 31/12/2014 của Bộ Công Thương). Theo đó, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn bao gồm chợ nông thôn hoặc cơ sở bán lẻ khác (siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh tổng hợp) đạt chuẩn theo quy định. Đây là tiêu chí quan trọng, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng đời sống của người dân khu vực nông thôn. “Chợ” với vai trò là một bộ phận của kết cấu hạ tầng thương mại, là một kênh bán lẻ hàng hóa hiệu quả và phù hợp nhất đối với thị trường Việt Nam hiện nay đặc biệt là khu vực nông thôn, nó có vai trò đặc biệt quan trọng trong khâu lưu thông, là cầu nối trung gian giữa sản xuất với sản xuất, giữa sản xuất với tiêu dùng và thông qua chức năng lưu thông hàng hóa, hệ thống chợ đã thực sự trở thành động lực kích thích sản xuất phát triển, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, góp phần tích cực vào phát triển thị trường và phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, việc chỉ đạo linh hoạt các địa phương thực hiện tiêu chí này sẽ giảm được những áp lực đối với chính quyền địa phương trong huy động nguồn lực xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, giúp các địa phương tập trung nguồn vốn hoàn thành các tiêu chí khác. Theo Quyết định số 4800/QĐ-BCT của Bộ Công Thương, xã được công nhận đạt Tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn khi có chợ nông thôn trong quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và đạt chuẩn theo quy định; có siêu thị mimi hoặc cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh tổng hợp đạt chuẩn theo quy định.
Trong những năm qua tốc độ đầu tư phát triển hạ tầng thương mại đã có sự chuyển biến tích cực, hệ thống chợ được quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây mới bằng nhiều nguồn vốn khác nhau như: nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, ngân sách các cấp, nguồn xã hội hóa... phục vụ nhu cầu của người dân và đáp ứng tiêu chí nông thôn mới. Hệ thống chợ được phân bố ngày càng hợp lý, cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng từng bước được nâng cao, tình trạng ô nhiễm môi trường, nguy cơ mất an toàn phòng cháy chữa cháy được quản lý hiệu quả hơn, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu mua sắm theo phương thức truyền thống của người dân.
Căn cứ các quy định tại Nghị định số 02/2003/NĐ-CP và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP, Sở Công Thương đã phối hợp với các cấp, ngành có liên quan trong tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 18/2012/QĐ-UBND ngày 13/7/2012 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc Ban hành Quy định về quy trình chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh khai thác chợ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 310/QĐ-UBND ngày 05/5/2014 về việc phê duyệt mô hình chợ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Cùng với đó Sở Công Thương đã ban hành các văn bản để thực hiện tiêu chí 7 về chợ trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM; đồng thời phối hợp với các cấp, các ngành liên quan triển khai công tác an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn, nhất là công tác thiết kế chợ cho phù hợp quy định và thói quen tiêu dùng của người dân nông thôn, bố trí quầy hàng trong chợ, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh, phòng chống cháy nổ, ….
Từ năm 2010 đến nay đã có 61/85 chợ đạt tiêu chí nông thôn mới chiếm 71,8% tổng số chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh. Hầu hết các chợ được đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp với tổng số vốn là khoảng 110 tỷ đồng bằng nguồn trái phiếu chính phủ, ngân sách tỉnh, ngân sách huyện và các nguồn vốn khác. Riêng năm 2017, toàn tỉnh có 19 xã đăng ký đạt chuẩn NTM thì có 05 chợ được hỗ trợ đầu tư nâng cấp, cải tạo, xây mới với tổng mức đầu tư trên 6 tỷ đồng (Ngân sách tỉnh hỗ trợ 5,5 tỷ đồng; còn lại được huy động từ các nguồn vốn khác). Thực hiện Nghị quyết 03-NQ/TU và Quyết định số 18/2012/QĐ-UBND, Sở Công Thương đã đẩy mạnh tuyên tuyền về công tác xã hội hóa đầu tư đi đôi với đổi mới hình thức quản lý chợ, tích cực hướng dẫn, tạo điều kiện cho các thương nhân có nhu cầu đầu tư, quản lý khai thác chợ được khảo sát, tiếp cận với các chợ có khả năng khai thác cao để lập dự án đầu tư. Đến nay, Quỹ đầu tư và phát triển tỉnh đã được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư chợ Khánh Nhạc (xã Khánh Nhạc) và chợ Bút (xã Yên Mạc), một số DNTN đã hoàn thành đầu tư xây dựng chợ Dầu (xã Khánh Hòa), chợ Na (xã Gia Lâm), chợ Liên Phương (xã Yên Nhân), chợ Ninh Mỹ (xã Ninh Mỹ)…. Bên cạnh đó, Sở cũng lồng ghép nguồn trong chương trình xúc tiến thương mại để hỗ trợ cho một số chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh xây dựng các hạng mục đảm bảo an toàn thực phẩm. Đến nay đã hỗ trợ đầu tư cho 02 chợ, tổng số vốn hỗ trợ là 221 triệu đồng. Thực tế cho thấy, trong những năm vừa qua, với việc tích cực triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm tăng cường nguồn lực đầu tư xây dựng NTM nói chung và đầu tư hoàn thiện hệ thống chợ nông thôn tại các địa phương trong tỉnh nói riêng đã và đang phát huy hiệu quả rõ rệt. Hầu hết các địa phương sau khi được hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng chợ nông thôn đều làm tốt công tác quản lý, điều hành hoạt động của các hộ kinh doanh, tiểu thương, từ đó thúc đẩy quá trình giao thương, trao đổi hàng hóa, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, làm thay đổi rõ rệt diện mạo tại khu vực nông thôn.
Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng thực tế trong quá trình triển khai thực hiện Tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, vẫn cho thấy một số hạn chế nhất định như: Nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương và địa phương đầu tư cho các xã xây dựng chợ nông thôn còn hạn hẹp và chỉ đầu tư cho một số hạng mục công trình nên việc xây dựng chợ tại các xã còn gặp nhiều khó khăn. Công tác xã hội hóa, huy động các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng chợ nông thôn còn nhiều khó khăn do đầu tư vào các chợ nông thôn vùng sâu, vùng xa khó có khả năng thu hồi vốn. Bên cạnh đó, chợ nông thôn sau khi xây xong đòi hỏi phải phát huy tối đa hiệu quả, công năng nhằm đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân và đẩy nhanh quá trình xây dựng NTM của từng địa phương.
Do đó, để hoàn thành tiêu chí số 7 thì các cấp, các ngành chức năng trong toàn tỉnh trước hết cần phải làm tốt công tác tuyên truyền vận động, để mọi người hiểu rõ mục tiêu của việc xây dựng và hoàn thành tiêu chí là đóng góp vào sự phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh theo hướng bền vững gắn với bảo vệ môi trường, nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân, dân làm, dân thụ hưởng, người dân là chủ thể trong xây dựng NTM; đối với các cấp uỷ Đảng, chính quyền từ huyện đến xã cần phải chủ động triển khai thực hiện, xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện cụ thể cho từng giai đoạn. Các bước tiến hành được tính toán một cách khoa học, trên cơ sở phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, trong đó xác định nhiệm vụ ưu tiên làm khâu đột phá, để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, đồng thời thực hiện tốt việc công khai, dân chủ, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và giám sát; thực hiện chủ trương xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong cộng đồng dân cư, con em thành đạt xa quê và các doanh nghiệp đóng trên địa bàn có tâm huyết với địa phương, khai thác các nguồn thu tại địa phương, lấy sức dân để lo cho dân tạo nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi công cộng.
Xác định con đường phía trước vẫn còn nhiều khó khăn nhưng với sự quan tâm, lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và đặc biệt là thành quả trong việc thực hiện tiêu chí số 7 trong bộ tiêu chí xây dựng NTM, toàn ngành Công thương trong tỉnh sẽ tiếp tục đoàn kết, giữ vững và nâng cao hơn nữa chất lượng trong lĩnh vực được phụ trách hoàn thành chỉ tiêu đúng thời gian theo quy định góp phần vào sự phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh của tỉnh./.
Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Sở Công Thương