Quy hoạch phát triển nghề, làng nghề gắn với du lịch tỉnh Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030

Ngày 28 tháng 8 năm 2013, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 615/QĐ-UBND về việc Phê duyệt Quy hoạch phát triển nghề, làng nghề gắn với du lịch tỉnh Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Có thể nói Ninh Bình là tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, đồng thời có nhiều ngành nghề thủ công mỹ nghệ, các làng nghề đang dần được khôi phục và phát triển, nhiều làng nghề lại nằm trên các tuyến du lịch của tỉnh. Các nghề, làng nghề và ngành du lịch đã góp phần làm chuyển dịch kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp - TTCN và dịch vụ. Tuy nhiên, trong thời gian qua việc phát triển nghề, làng nghề của tỉnh còn mang tính tự phát, thiếu mặt bằng, thiếu vốn, việc đào tạo nghề chưa đáp ứng yêu cầu của sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế, chưa tạo được thương hiệu hàng hóa, môi trường làng nghề bị ô nhiễm, cơ sở hạ tầng còn yếu kém đặc biệt làng nghề chưa gắn với phát triển du lịch. Bên cạnh đó, ngành du lịch của tỉnh chưa phát triển nhanh, bền vững, doanh thu du lịch còn chưa tương xứng với tiềm năng, đặc biệt là ngành du lịch chưa gắn với làng nghề để đưa khách du lịch tham quan và mua sắm các sản phẩm làng nghề.

Chính vì vậy quy hoạch phát triển nghề, làng nghề kết hợp với phục vụ du lịch tỉnh Ninh Bình đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được xây dựng nhằm mục tiêu bảo tồn và phát triển làng nghề hiện có và du nhập nghề mới; gắn hoạt động sản xuất của làng nghề với các hoạt động du lịch lễ hội truyền thống; Tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông thôn và bảo vệ môi trường sinh thái; thực hiện di chuyển các nghề, làng nghề gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư.

Quy hoạch phát triển nghề, làng nghề kết hợp với phục vụ du lịch tỉnh Ninh Bình đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 có 2 nội dung là Quy hoạch phát triển nghề và Quy hoạch phát triển làng nghề. Quy hoạch phát triển nghề bao gồm quy hoạch các nghề: Chế tác đá mỹ nghệ; Chế biến cói, nghề thêu ren; Nghề gốm sứ; Mây tre đan, tăm hương; Mộc dân dụng, gỗ mỹ nghệ; Cốt chăn bông; Cơ khí, kim khí; Chế biến nông sản thực phẩm. 

Quy hoạch phát triển làng nghề gồm có Phát triển làng thuần nông thành làng có nghề; Quy hoạch phát triển làng có nghề thành làng nghề; Quy hoạch phát triển làng nghề kết hợp với du lịch. Trong đó, Quy hoạch phát triển làng nghề kết hợp với du lịch có định hướng xây dựng 4 tuyến du lịch kết hợp với làng nghề; dự kiến xây dựng 10 điểm du lịch làng nghề. Cụ thể, giai đoạn 2011- 2020, tập trung hoàn thiện 6 điểm làng nghề phục vụ du lịch, vốn đầu tư 40 tỷ đồng/làng nghề trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 30%. Giai đoạn 2021- 2030, triển khai 4 điểm làng nghề phục vụ du lịch, vốn đầu tư 60 tỷ đồng/làng nghề, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 30%. 

Bên cạnh đó, Quy hoạch còn đưa ra hệ thống giải pháp toàn diện đặc biệt là các giải pháp về thị trường tiêu thụ, thiết kế mẫu mã sản phẩm, bảo vệ môi trường, kỹ thuật công nghệ, vốn để hỗ trợ, khuyến khích các nghề, làng nghề phát triển, đồng thời gắn với phát triển du lịch, góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cho tỉnh.

Xem chi tiết tại đây: